HOME sách   TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH  thIỀN HỌC  BÀI VỞ   THƠ  ẢNH TẾT 2006 ENGLISH BOOKS MAGAZINES

 

CHƯƠNG HAI

BẢN CHẤT CỦA TƯ TƯỞNG

Trích Từ : QUYỀN NĂNG CỦA TƯ TƯỞNG
Tác giả  JOHN ALGEO  và SHIRLEY J. NICHOLSON 
Bản Dịch Tâm Như 2006

Phiên bản vào thế kỷ thứ 21,
phóng tác quyển QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG của bà Annie Besant.

John Algeo, Tiến sĩ Giáo sư danh hàm ở Trường Đại học Georgia, là cựu Học viên Sáng lập và Giáo sư lỗi lạc về tiếng Anh cho đến khi ông về hưu để nhậm chức Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Mỹ.

Shirley J Nicholson là tổng biên tập đã qua của Nhà Xuất bản Thông Thiên Học và là cựu Hiệu trưởng Trường Krotona về Thông Thiên Học ở Ojai, California.

-------------------------------------------

TÓM TẮT CHƯƠNG

Ta có thể xét tư tưởng theo quan điểm sự sống (tinh thần, tâm thức) hoặc hình tướng (vật chất, cơ thể).

Khi tự ngã “biết” được một đối tượng nào đó tức “phi ngã”, thì nó đã mô phỏng một hình ảnh của đối tượng đó trong vật chất thuộc thể hạ trí của mình .

Mọi thứ đang biểu lộ đều vận động, và sự vận động nhịp nhàng đều đặn là rung động.

Mỗi tự ngã (tức đơn vị tâm thức) được bao hàm trong đủ thứ thể vật chất có các rung động được truyền qua vật chất ở trung gian đến các hạ thể của các tự ngã khác. Nhờ mạng lưới giao tiếp này, các tự ngã có thể biết được nhau.

Các dạng vật chất khác nhau – trí tuệ, xúc động, hồng trần – có những rung động đặc trưng khác nhau với kết quả là những tư tưởng, ham muốn và hành động.

------------------------------------------------------------

Do có năng lực tuyển chọn nhận thức và phối vị cho nên tâm thức của chúng ta xác định loại thế giới mà chúng ta sống trong đó. Một loại tâm thức khác ắt tạo ra một thế giới khác xung quanh chúng ta cho dù vật liệu thô của vũ trụ có thể là gì đi chăng nữa.

- Lạt ma Anagarika Govinda

---------------------------------------------------------------

TA CÓ THỂ XEM XÉT TƯ TƯỞNG theo hai quan điểm: theo khía cạnh tự ngã vốn là chủ thể tri thức có ý thức về sự hiểu biết, và theo khía cạnh đối tượng tri thức tức những hình tướng hằng thay đổi, và sự thay đổi của các hình tướng khiến ta có thể hiểu biết được. Sự tương phản của hai quan điểm này đã dẫn tới hai cực đoan trong triết học, mỗi cực đoan lờ đi một khía cạnh của Thực Tại. Một quan điểm (đôi khi được gọi là “chủ nghĩa duy tâm”) coi vạn vật là tâm thức, lờ đi nhu cầu cần có hình tướng để định vị tâm thức và khiến có thể có tâm thức. Quan điểm kia (được gọi là “chủ nghĩa duy vật”) coi vạn vật là hình tướng, lờ đi sự thật là hình tướng chỉ có thể tồn tại vì có tâm thức hoặc sự sống làm cho nó linh hoạt. Bất cứ triết lý nào ra sức giải thích vạn vật theo chỉ một trong hai quan điểm này thôi đều có số phận là gặp phải những vấn đề không thể giải quyết được.

Sự sống và hình tướng, tinh thần và vật chất, tâm thức và cơ thể, vốn không thể tách rời nhau trong khi biểu lộ. Đó là những khía cạnh không phân chia được của điều mà các triết gia Ấn Độ gọi là “Cái Đó”, Thực Tại Nhất Như. Thực Tại Nhất Như đó không phải là tâm thức cũng chẳng phải là vật chất, mà là cội rễ của cả hai. Tâm thức và các hạ thể, sự sống và hình tướng, tinh thần và vật chất đều là những biểu hiện tạm thời của hai khía cạnh thuộc một Đấng Tồn Tại vô điều kiện duy nhất. Đấng Tồn Tại vô điều kiện đó biểu hiện thành Tinh Thần Gốc Rễ và Vật Chất Gốc Rễ. Tinh thần Gốc rễ (tiếng Bắc phạn gọi là pratyagatman) là Tự Tại trừu tượng, Ngôi Lời tức Lý Trí hữu thức cai quản vũ trụ mà các biệt ngã bắt nguồn từ đó. Vật Chất Gốc Rễ (tiếng Bắc phạn là mulaprakriti) là chất liệu bản sơ, cội nguồn của mọi hình tướng.

Bất cứ khi nào sự biểu lộ xảy ra thì Tinh Thần Gốc Rễ và Vật Chất Gốc Rễ đều lần lượt nảy sinh ra mọi đơn vị tâm thức cá thể và mọi dạng vật chất phồn tạp. Bên dưới hai Gốc Rễ này là Thực Tại Nhất Như mà tâm thức bình thường của chúng ta chẳng bao giờ tri giác được. Đóa hoa không thấy được gốc rễ mà nó tăng trưởng từ đó, cho dù nó rút ra mọi sự sống của mình từ gốc rễ đó, nếu không có gốc rễ thì không có đóa hoa.

Chức năng đặc trưng của tự ngã trên cương vị chủ thể tri thức là phản ánh phi ngã bên trong mình. Điều tương tự là một phim ảnh nhận được ánh sáng phản chiếu từ các vật thể. Ánh sáng này gây ra những sự biến đổi ở bề mặt cảm quang mà ánh sáng rơi vào đó, tạo ra hình ảnh của vật thể. Tự ngã bản thể của ta với vai trò là chủ thể tri thức ngoại giới cũng tương tự như vậy. Hiện thể của chủ thể tri thức (tâm trí tức thể hạ trí) giống như một gương cầu trên đó tự ngã nhận được ánh sáng phản chiếu từ phi ngã, khiến cho hình ảnh xuất hiện trên bề mặt của gương cầu. Những hình ảnh này là phản ánh của điều không phải là tự ngã.

Ở trạng thái tâm thức bình thường, chủ thể tri thức không biết sự vật như nhiên mà chỉ biết những hình ảnh do sự vật tạo ra trong tâm trí. Vì thế cho nên tâm trí (hiện thể của tự ngã với vai trò chủ thể tri thức) đã được so sánh với một tấm gương, trong đó ta thấy hình ảnh của mọi vật đặt trước nó. Một tấm gương dường như có những sự vật bên trong mình, nhưng những sự vật này chúng ta chỉ thấy nó là những hình ảnh, những điều hão huyền nảy sinh ra do ánh sáng phản chiếu từ các sự vật. Như vậy tâm trí, khi phản chiếu vũ trụ bên ngoài, chỉ biết được những hình ảnh hão huyền chứ không biết được tự thân sự vật. Tự ngã trên cương vị chủ thể tri thức nhầm lẫn những hình ảnh trí tuệ này là các sự vật ngoại giới.

Trong triết học Ấn Độ, người ta gọi “maya” là việc nhầm lẫn các hình ảnh trong tâm trí với thực tại bên ngoài, theo ví dụ truyền thống Ấn Độ, thì có một người bước vào một căn phòng tối và nghĩ có một con rắn hổ mang nằm cuộn trong góc sẵn sàng mổ mình. Nhưng khi người đó bật đèn lên thì điều trông giống như một con rắn hổ mang trong bóng tối lại lộ nguyên hình chỉ là một vài vòng dây thừng. Sự phản ánh không phải là thực tại; theo nhà Ngữ nghĩa học Tổng quát nói thì bản đồ không phải là lãnh thổ. Nhận thức của ta luôn luôn là những sự mô phỏng không chính xác về thực tại.

Thế mà sự tương tự giữa cái gương với việc dùng từ ngữ “phản chiếu” ở các đoạn trước hơi gây hiểu lầm một chút, vì những hình ảnh trí tuệ thực ra là những mô phỏng chứ không phải là những phản chiếu của các sự vật gây ra chúng. Như ta đã giải thích rồi, tâm trí bao gồm một loại vật chất tinh vi. Một phần vật chất của tâm trí thực ra được uốn nắn thành ra giống như sự vật được biểu diễn cho nó và chủ thể tri thức đâm ra có ý thức về sự giống nhau này vốn được gọi là một “hình tư tưởng”. Như vậy khi chúng ta trên cương vị là chủ thể tri thức, biến đổi một phần thể hạ trí của mình để cho giống như một sự vật bên ngoài thì chúng ta biết được sự vật đó. Nhưng hình ảnh không bao giờ mô phỏng hoàn toàn được sự vật vì lý do mà ta ám chỉ như trên và sẽ được khảo luận ở chương kế tiếp; do đó sự hiểu biết của chúng ta luôn luôn thiếu sót.

 

Tâm trí của một con người có thể sánh như

một nhạc cụ với một tầm mức cung bực nào đó

mà vượt ngoài tầm mức này theo cả hai hướng

 thì chúng ta có vô vàn sự im lặng

- John Tyndall

 

Nhưng ta có thể thắc mắc là liệu trường hợp nào cũng cứ như thế chăng? Liệu chúng ta chẳng bao giờ biết được sự vật tự thân nó một cách trọn vẹn chăng? Thắc mắc này đưa chúng ta tới sự phân biệt có tầm mức quan trọng sống còn giữa tâm thức và vật chất mà tâm thức đang hoạt động trong đó, và nhờ phân biệt như vậy mà chúng ta có thể tìm ra một câu trả lời cho thắc mắc này.

Kiếp sống hiện nay của chúng ta chỉ là một kiếp sống trong một chuỗi dài các kiếp luân hồi, những sự tái sinh lập đi lập lại khiến cho chúng ta tiến hóa về mặt thể chất, xúc động, trí tuệ và tâm linh. Khi sau nhiều kiếp sống với sự tiến hóa dài dằng dặc, tâm thức chúng ta cuối cùng phát triển được quyền năng mô phỏng bên trong mình mọi thứ ở bên ngoài (nghĩa là biết hết mọi thứ) thì lớp vỏ bằng vật chất thượng trí mà nó hoạt động trong đó sẽ rơi rụng đi. Lớp vỏ này đã phục vụ mục đích là mối liên kết giữa các kiếp lâm phàm, là “nguyên nhân” của các phàm ngã nối tiếp và không còn cần thiết nữa.

Lúc bấy giờ tâm thức với vai trò là chủ thể tri thức ắt đồng nhất hóa mình với mọi tự ngã khác mà nó đã tiến hóa trong đó. Nó không còn là một tự ngã riêng biệt hoàn toàn mà ngộ ra được tính đơn nhất bản thể của mình với mọi tự ngã khác vốn là biểu hiện bổ sung nhau của Thực Tại ẩn đằng sau Tinh Thần Gốc Rễ nhất như tức tâm thức bản sơ của vũ trụ. Và lúc bấy giờ nó thấy phi ngã chỉ là vật chất liên quan tới mọi tự ngã khác.

Trong tác phẩm đồ sộ Giáo Lý Bí Nhiệm, H. P. Blavatsky gọi lúc này là “Ngày Hội Long Hoa” (Day Be-With-Us), sự hợp nhất vốn là sự toàn thắng của cơ tiến hóa khi tâm thức nơi một tự ngã biết mình cũng là mọi tự ngã khác, và biết mọi tự ngã khác là chính mình. Do đó bản chất giống nhau của mọi tự ngã đều đạt tới tri thức thuần túy và nhận ra được rằng trạng thái mầu nhiệm khi lai lịch không mất đi và ký ức cũng không biến mất, và sự ngăn cách không còn nữa. Lúc bấy giờ chủ thể tri thức, tri thức và sự hiểu biết hợp nhất lại. Nhưng đó là một thời kỳ lâu dài trong tương lai.

Trong khi đó, chúng ta đang tiến hóa qua nhiều phương thức khác bằng cách mở rộng sự hiểu biết; và chúng ta phải nghiên cứu bản chất của tư tưởng để hiểu được ta làm điều này bằng cách nào. Chúng ta cần phải thấy rõ khía cạnh hão huyền của thế giới xung quanh ta và của bản chất chính ta với vai trò là các tự ngã riêng biệt, biệt lập. Chúng ta phải hiểu được hão huyền trước khi chúng ta có thể siêu việt được nó. Vậy là giờ đây chúng ta chuyển sang bản chất của tư tưởng để xem bằng cách nào mà tri thức (mối quan hệ giữa chủ thể tri thức và đối tượng tri thức) xuất lộ được. 

CHUỖI DÂY XÍCH CHỦ THỂ TRI THỨC, TRI THỨC

 VÀ ĐỐI TƯỢNG TRI THỨC

Sự vận động (vốn là sự biến đổi hoặc biến thành) là gốc rễ của mọi điều đang tồn tại. Thế mà khoa học hiện đại cũng như minh triết Đông phương đều bảo chúng ta rằng sự rung động hoặc tần số thấm nhuần trọn cả thiên nhiên. Sự sống là vận động, tâm thức là vận động. Và vận động ảnh hưởng tới vật chất thì đó là rung động.

Các triết gia đã nghĩ rằng Đấng Nhất Như, Đấng Toàn Thể là bất biến, là vận động tuyệt đối hoặc bất động. Vận động tương đối – nghĩa là sự chuyển động của mỗi sự vật trong quan hệ với mọi sự vật khác – không thể tồn tại nơi Đấng Nhất Như vì đó là một đơn nguyên không có bộ phận. Sự vận động tương đối là sự thay đổi mối quan hệ trong không gian giữa hai sự vật. Vận động tuyệt đối là sự hiện diện của mọi đơn vị đang vận động ở mọi điểm không gian tại mọi thời điểm – mọi thứ đều tiềm tàng ở mọi nơi, nhưng thực ra không có bất kỳ thứ nào ở bất cứ nơi đâu. Nghịch lý thay, vận động tuyệt đối lại đồng nhất với đứng im bất động, vận động tuyệt đối chỉ là đứng im khi xét theo một khía cạnh khác.

Chỉ khi có sự biến dị tức các bộ phận, thì chúng ta mới có thể nghĩ tới điều mà chúng ta gọi là vận động. Khi Đấng Nhất Như trở thành vạn thù, thì vận động tương đối xuất hiện. Bản thể của vật chất là sự biệt lập, vạn thù, còn bản thể của tinh thần là đơn nguyên. Vật chất và tinh thần được tách ra khỏi Đấng Nhất Như giống như kem sữa và váng sữa tách ra khỏi sữa hoàn nguyên không còn đồng chất nữa. Khi vật chất và tinh thần được tách ra như thế thì sự toàn hiện của Đấng Nhất Như được phản ánh nơi tính vạn thù của vật chất là sự vận động không ngừng nghỉ và vô lượng. Theo quan điểm của tinh thần luôn luôn có Đấng Nhất Như; theo quan điểm của vật chất luôn luôn có vạn thù. Như ta có nói trong chương đầu tiên, Nhất Bổn có vạn hữu bên trong mình; vì vậy nó tiềm tàng ở khắp mọi nơi, và do đó bất động, còn vạn thù biểu lộ thật ra lại ở đây đó và đang vận động.

Khi sự vận động vô lượng này xuất hiện thành ra những chuyển động nhịp nhàng trong vật chất (rung động hoặc tần số) thì đó là sức khỏe, tâm thức, sinh khí. Khi sự vận động không đều và không nhịp nhàng thì đó là bệnh tật, vô ý thức, chết. Sống và chết là hai chị em sinh đôi, đều bắt nguồn từ vận động vốn là sự biểu lộ.

 

Mọi vật chất đều tùy thuộc vào sự vận động

- Rene Descartes

 

 Mỗi đơn vị tâm thức đều biệt lập với mọi đơn vị khác bằng các bức vách vật chất bao xung quanh năm hạ thể. “Một đơn vị tâm thức biệt lập” ở đây được gọi là một “tự ngã” (viết theo kiểu chữ thường) để phân biệt với Tự Ngã Nhất Như (viết theo kiểu chữ hoa) vốn là cội nguồn của mọi tâm thức. (Trong tiếng Bắc phạn đơn vị biệt lập được gọi là Jiva). Mỗi tự ngã đều thể hiện hoặc biểu hiện qua năm hiện thể vật chất nêu trên. Khi những hiện thể này rung động, chúng truyền rung động cho vật chất xung quanh và vật chất xung quanh này trở thành môi trường để rung động thể hiện ra ngoài.

Đến lượt vật chất xung quanh lại truyền xung lực rung động cho hiện thể bao xung quanh một tự ngã khác, và như vậy khiến cho tự ngã đó rung động giống như tự ngã đầu tiên. Kết quả là một chuỗi rung động khiến cho một đơn vị tâm thức biết được đơn vị kia. Tự ngã thứ nhì biết được tự ngã thứ nhất vì nó mô phỏng lại nơi bản thân những rung động của tự ngã thứ nhất, và như vậy trải nghiệm giống như tự ngã thứ nhất trải nghiệm.

Thế nhưng có một sự lệch lạc hoặc một sự bất đối xứng vì tự ngã thứ nhì đã ở tình trạng rung động rồi. Sau khi tự ngã thứ nhì nhận được xung lực của tự ngã thứ nhất, thì trạng thái vận động của nó không chỉ là lập lại xung lực đó mà là tổ hợp của một sự vận động nguyên thủy với vận động được áp đặt từ bên ngoài. Vì thế cho nên sự mô phỏng lại không hoàn chỉnh. Ta chỉ có thể đạt được những điều tương tự càng ngày càng mật thiết hơn, nhưng chừng nào vẫn còn các hạ thể thì chúng ta chưa bao giờ đạt được sự đồng nhất hỗ tương hoàn chỉnh.

Chuỗi tác dụng rung động này cũng thường có trong thiên nhiên. Nhiệt của nó cung cấp thêm năng lượng cho các phân tử chất khí thuộc môi trường xung quanh làm gia tăng sự vận động ngẫu nhiên của nó và nhiệt độ không khí tăng lên. Sự vận động gia tăng này đẩy nhanh tốc độ chuyển động của các phân tử trong một miếng sắt nằm kế bên. Do xung lực đó, các hạt của miếng sắt rung động nhanh hơn, thế là đến lượt sắt nóng lên và trở thành một nguồn nhiệt. Như vậy mọi rung động truyền từ một tự ngã này sang một tự ngã khác, và thế là mọi sinh linh đều liên kết với nhau bằng mạng lưới các điều liên hệ. 

TẦM MỨC RUNG ĐỘNG

Trong thiên nhiên vật lý, chúng ta đánh dấu các tầm mức rung động hoặc tần số khác nhau bằng những tên gọi khác nhau, gọi một tập hợp rung động này là ánh sáng, tập hợp kia là nhiệt, tập hợp nọ là điện, còn tập hợp khác là âm thanh v.v. . . Thế nhưng mọi thứ đó đều có cùng bản chất, đều là các phương thức vận động mặc dù chúng khác nhau về tần số và về tính chất của sóng. Tương tự như vậy, tư tưởng, ham muốn và hoạt động (những biểu lộ chủ động của sự hiểu biết, ý chí và năng lượng biểu hiện nơi vật chất) cũng được tạo thành bởi các rung động khác nhau về những hiện tượng mà chúng tạo ra vì có tính chất rung động khác nhau. Các rung động thuộc một loại vật chất đặc thù với một đặc tính nào đó được gọi là tư tưởng; các rung động thuộc một chuỗi khác được gọi là ham muốn; một loạt rung động khác được gọi là hành động.

 

Điều mà ta gọi là tâm trí chẳng qua chỉ là một đống

hoặc tập hợp các nhận thức khác nhau

được hợp nhất lại do một vài hệ thức nào đó,

 và người ta đã giả sử mặc dù sai lầm rằng

 các hệ thức đó được phú cho sự đơn giản

và lai lịch hoàn toàn.

- David Hume

 

Cũng như mắt chúng ta đáp ứng với một vài tần số sóng điện từ mà ta gọi là ánh sáng, tâm trí chúng ta cũng đáp ứng với những tần số còn tinh vi hơn nữa mà khoa học vật lý chưa biết tới và chúng ta gọi là tư tưởng. Việc “nhìn thấy” xảy ra khi một vài tần số sóng điện từ được tạo ra từ một vật đạt tới mắt ta; “suy nghĩ” xảy ra khi trường tư tưởng giữa một đối tượng và tâm trí của chúng ta dậy sóng ba đào. Trường hợp này cũng chẳng có gì huyền bí hơn trường hợp kia.

Các làn sóng tư tưởng tác động lên vật chất tinh vi cấu thành tâm trí bằng cách biến đổi cách thức sắp xếp của vật chất đó. Khi suy nghĩ cụ thể qua giác quan chúng ta mô phỏng lại những tác động nguyên sơ xuất phát từ bên ngoài. Chủ thể tri thức tương tác với những rung động này và kết quả là sự hiểu biết. Một tư tưởng là một sự mô phỏng bên trong tâm trí của chủ thể tri thức điều vốn không phải là chủ thể tri thức hoặc tự ngã; đó là một hình ảnh được tạo ra do sự tổ hợp của các chuyển động sóng; theo sát nghĩa hoàn toàn thì là một hình ảnh. Một phần của phi ngã rung động, khi chủ thể tri thức rung động đáp ứng thì bộ phận đó trở thành đối tượng tri thức; vật chất rung động giữa chủ thể tri thức và đối tượng tri thức khiến cho ta có thể có tri thức bằng cách để cho chủ thể tri thức, đối tượng tri thức và tri thức được xác lập và duy trì như thế đấy.

ỨNG DỤNG

1. Chụm tay vòng quanh nhưng không chạm vào một bóng đèn điện đang cháy sáng. Hãy giải thích điều gì khiến cho bạn biết được bóng đèn đang “cháy sáng” cho dù bạn không trông thấy nó. Kiến thức đó đến với bạn bằng cách nào? Điều này tương tự như thế nào với cách thức nhờ đó chúng ta biết được những sự vật khác trên thế giới?

2. Để minh họa cách thức các hình ảnh được mô phỏng lại trong các thể tinh vi của chúng ta, hãy hình xem các tấm kính ảnh 5, 8, 11, 14 và 14a, đọc những bản văn kèm theo trong quyển Hào Quang Cá Nhân của Dora van Gelder Kunz.

 

Sự thật hành tâm linh của tôi là gì?

 Hãy nêu bật những đoạn văn trong các quyển sách

- Joseph Campbell

Nhiều sự suy nghĩ của con người là sự tuyên truyền cho những thèm khát của y.

- Eric Hotter

Rất nhiều người nghĩ rằng họ đang suy tư

trong khi họ chỉ đang sắp xếp lại thành những thành kiến của mình.

- William James

Một người có thể lẩn quẩn rất lâu với một tư tưởng

đến nỗi mà nó có thể cầm tù y.

- Hầu tước Halifax

 


  HOME sách   TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH  thIỀN HỌC  BÀI VỞ   THƠ  ẢNH TẾT 2006 ENGLISH BOOKS MAGAZINES