Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS

SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI THÚ

(THE EVOLUTION OF ANIMALS)

Trích Chương VII

Quyển NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA THÔNG THIÊN HỌC

 (SỰ TIẾN HÓA HUYỀN BÍ CỦA NHÂN LOẠI)

Tác giả C. Jinarājadāsa

Bản dịch www.thongthienhoc.com

 

 

SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI THÚ

Khi khảo sát thiên nhiên ta có thể dễ dàng thấy rằng cho đến nay đại đa số sinh vật khộng thuộc về giới nhân loại mà thuộc giới thực vật và động vật. Các thuyết khoa học hiện đại cho ta biết rằng có một cầu nối tiến hóa của hình tướng từ giới thực vật lên giới động vật, rồi từ giới động vật lên giới nhân loại; vì vậy hiển nhiên là bởi vì cho đến nay con người vẫn tiến hóa cao nhất, nên mọi hình tướng thấp hơn hình tướng con người ắt phải hướng về loại hình con người. Loại hình cao nhất trong giới động vật và gần gũi nhất với con người chính là cái “mắt xích còn thiếu”; và loài khỉ giống người là những hình tướng hiện hữu gần gũi nhất với “mắt xích còn thiếu” ấy. Xét về phương diện hình tướng thể xác thì ta có thể thấy rõ sự chuyển tiếp đúng mức từ loài khỉ giống người sang loài người; nhưng khi xét tới trí thông minh trong giới động vật thì ta thấy quan niệm của khoa học về tiến hóa có một lỗ trống nghiêm trọng. Ta có một vài loài gia súc như chó, mèo và ngựa mà những đặc trưng nổi bật của con người về trí tuệ và xúc động đã xuất hiện qua chúng; xét về bản chất nội tâm thì có nhiều con chó gần gũi với con người hơn con khỉ giống người. Xét theo khía cạnh hình tướng thì rõ rệt là không thể có sự chuyển tiếp từ con chó sang con người; vì vậy, tất yếu là những thuộc tính cao cấp của con người mà loài gia súc cục cưng của ta đã phát triển được ắt phải hầu như bị hoài công, nếu cơ tiến hóa diễn tiến cứng ngắc theo cái thang tiến hóa hình tướng mà khoa học đã phát biểu. (Xem Hình 5).

Để hiểu được chi li hơn thiên nhiên hoạt động ra sao, ta phải bổ sung cho quan niệm tiến hóa hình tướng trong giới động vật bằng quan niệm tiến hóa sự sống nữa. Chỉ có quan niệm tiến hóa sự sống mới giúp ta hiểu rốt ráo được vai trò mà giới động vật đóng giữ trong quá trình tiến hóa.

Cho dù sự sống là gì đi chăng nữa, dù nơi loài khoáng vật, thực vật, động vật hay nhân loại thì cơ bản chỉ có Sự Sống Nhất Như, đó là một biểu hiện của bản chất và hành động của THƯỢNG ĐẾ; song le Sự Sống Nhất Như này bộc lộ những thuộc tính của mình trọn vẹn hơn hoặc sơ sài hơn tùy theo số lượng hạn chế mà nó phải khắc phục trong khi tiến hóa. Những hạn chế đối với biểu lộ của nó là lớn nhất trong giới khoáng vật, nhưng từng bước giảm dần trong giới thực vật, động vật và nhân loại. Trong khi các thuộc tính đang tiến hóa thì Sự Sống Nhất Như trải qua lần lượt các hạn chế này; sau khi cam chịu sự hạn chế trong vật chất thuộc giới khoáng vật, nhờ vậy học được cách biểu hiện qua việc xây dựng những hình tướng kỷ hà do bị kết tinh, Sự Sống Nhất Như lại chuyển sang giai đoạn kế tiếp trở thành sự sống của giới thực vật. Vẫn giữ mọi năng lực mà nó đã học hỏi được qua vật chất thuộc giới khoáng vật, giờ đây Sự Sống Nhất Như lại có thêm những năng lực mới của loài thực vật và phát hiện được những cách thức mới mẻ để bộc lộ chính mình. Khi đã tiến hóa đúng mức trong giới thực vật, Sự Sống Nhất Như mang theo mọi kinh nghiệm thu hoạch được qua giới khoáng vật và thực vật để kiến tạo nên các cơ thể trong giới động vật ngõ hầu bộc lộ nhiều hơn nữa những thuộc tính ẩn tàng của mình qua các hình tướng phức tạp và mềm dẻo hơn của sự sống động vật. Khi đã tiến hóa hết trong giới động vật, Sự Sống Nhất Như chỉ còn giai đoạn kế tiếp để tự bộc lộ mình là trải qua giới nhân loại.

Xuyên qua mọi giai đoạn lớn này dưới dạng khoáng vật, thực vật, động vật và nhân loại chỉ có Sự Sống Nhất Như đang tác động, hết xây dựng rồi lại phá hủy, rồi lại tái tạo, cứ hì hục làm việc để kiến tạo các hình tướng càng ngày càng cao cấp hơn. Rất lâu trước khi bắt đầu hoạt động trong vật chất thuộc giới khoáng vật, Sự Sống Nhất Như này đã biến dị thành ra bảy luồng lớn, mỗi luồng đều có những đặc trưng riêng bất biến và đặc thù của mình. (Hình 56).

 

Nguồn Sống Nhất Như được tượng trưng trong sơ đồ này bằng một tam giác bên trong vòng tròn. Mỗi một trong bảy luồng lớn lại biến dị thành ra bảy biến thể. Nếu ta biểu diễn bảy luồng lớn bằng những con số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 thì những biến thể của mỗi luồng có ở trong bảng sau đây.

Ta ắt thấy rõ loại hình sự sống thứ nhất giờ đây có bảy biến thể, biến thể thứ nhất có đặc trưng nổi bật chủ yếu của mình được nhấn mạnh gấp đôi tức (1.1), còn biến thể thứ nhì tới thứ bảy của nó đặc trưng nổi bật thay đổi theo đặc trưng của sáu loại hình căn bản kia tức là (1.2, 1.3, 1.4, 1.5, 1.6, 1.7). Nguyên lý ấy cũng đúng đối với sáu loại hình căn bản khác mà ta thấy qua bảng nêu trên. Các loại hình này được gọi là “Cung”.

 

 

Mỗi một trong 49 biến thể của Sự Sống Nhất Như cứ đi theo sự phát triển đặc trưng của riêng mình xuyên suốt mọi giới sinh hoạt lớn trong thiên nhiên là giới khoáng vật, giới thực vật, giới động vật và giới nhân loại. Loại hình sự sống nào ở trong giới động vật thuộc về biến thể 3.2 thì nó chuyển từ giới khoáng vật sang giới thực vật cũng đều theo kênh đặc biệt là sự sống 3.2 thuộc giới thực vật, khi đã đến lúc chuyển sang giới động vật thì nó xuất hiện ở đó vẫn dưới dạng sự sống 3.2 thuộc giới động vật, và nó trải qua hình tướng động vật dành riêng cho sự phát triển của loại hình sự sống này. Khi sự sống động vật ấy tiến tới giai đoạn chuyển sang làm người thì nó ắt kiến tạo một cá thể thuộc loại hình 3.2 trong giới nhân loại chứ không thuộc loại hình nào khác. Bốn mươi chín biến thể này của Làn Sóng Sinh Hoạt Nhất Như cứ đi theo 49 kênh riêng biệt xuyên suốt mọi giới lớn trong thiên nhiên chứ không có sự lẫn lộn nào từ loại hình sự sống này sang loại hình sự sống khác.

Khi 49 luồng sinh hoạt này trong giới động vật đã sẵn sàng chuyển sang giới nhân loại thì mỗi một trong bảy biến thể của mỗi loại hình căn bản đều hội tụ lại trong những giai đoạn sinh hoạt động vật cao cấp nhất tới một vài hình tướng động vật tiền định. Thiên cơ đã sắp xếp những hình tướng động vật này để cho chúng tiếp xúc mật thiết với nhân loại dưới dạng là những gia súc cưng; và do ảnh hưởng của sự chăm sóc được đổ dồn lên chúng, sự sống động vật bộc lộ những thuộc tính ẩn tàng của mình, phát triển chúng và “biệt lập ngã tính” để gia nhập giới nhân loại.

Ngày nay ta có một vài loại hình động vật ở ngay ngưỡng cửa chuyển tiếp từ giới động vật sang giới nhân loại; những loại hình như thế là chó, mèo, ngựa, voi và có lẽ cả khỉ nữa. Sự chuyển tiếp từ loài thú sang loài người có thể diễn ra qua những cánh cửa này miễn là những ảnh hưởng thích hợp được đưa vào tác động lên loài thú qua hành động của con người. Trong khi sự sống nơi loài chó và loài mèo đã thuộc loại hình cao nhất theo hai “Cung” riêng của chúng; thế nhưng sự chuyển tiếp chỉ xảy ra khi một con chó hoặc một con mèo có thể đã phát triển trí thông minh và tình luyến ái của mình qua tác động trực tiếp của con người.

Những động vật gia súc của ta đã được phát triển từ những loại hình sơ khai hơn và dã man hơn thuộc sự sống động vật; con chó thuộc dòng dõi của con chó sói, còn con mèo là dòng dõi của đủ thứ tạo vật giống như mèo chẳng hạn như cọp, beo v.v. . . Trong giai đoạn hiện nay, các luồng sống biểu lộ qua luồng sống loài chó đều hội tụ nơi con chó nhà nhằm mục đích gia nhập vào giới nhân loại; cũng giống như vậy, các loại hình sự sống thuộc loài mèo ngày nay hội tụ vào con mèo nhà. Trong những thời đại tương lai, ta sẽ có những con gia súc khác nữa cũng ở trong nhóm những hình tướng tạo thành bảy cánh cửa dẫn vào loài người.

Muốn hiểu được sự tiến hóa của loài thú thì ta cần phải hiểu rõ hồn khóm là gì. Theo quan điểm Thông Thiên Học, cũng giống như con người cá biệt không phải là thể xác mà là một thực thể tâm linh vô hình sở hữu một thể xác, loài thú cũng giống như vậy. Động vật chân chính không phải là thể xác; đó là sự sống vô hình tác động lên hình tướng động vật, cũng giống như linh hồn con người tác động lên thể xác của y. Cái sự sống vô hình vốn cấp năng lượng cho các hình tướng động vật này được gọi là Hồn khóm.

Hồn khóm có một lượng vật chất trí tuệ nhất định nào đó được tích chứa năng lượng của THƯỢNG ĐẾ. Vật chất trí tuệ này bao hàm một sự sống xác định ở mức tiến hóa động vật và sự sống đó giữ lại mọi sự phát triển khả hữu của tâm thức và hoạt động loài động vật. Trong những chu kỳ trước kia, hồn khóm động vật này là hồn khóm thực vật và trong những chu kỳ còn trước hơn nữa thì nó là hồn khóm khoáng vật. Điều này khiến cho hiện nay vào giai đoạn mà ta đang xét hồn khóm động vật đã được chuyên biệt hóa cao độ rồi do kết quả những trải nghiệm của nó trong vật chất thực vật và khoáng vật. Ở giai đoạn tiến hóa hiện nay không có một hồn khóm động vật duy nhất dành cho toàn thể giới động vật, cũng giống như không có một loại hình thể chất duy nhất dành cho mọi con thú; và cũng giống như trong sự tiến hóa của hình tướng ngày nay ta thấy chúng phân chia ra thành giới, phân giới, nhóm, lớp, cấp, họ, dòng và giống; cũng vậy trong hồn khóm động vật ta cũng có những sự phân chia tương tự.

Sơ đồ kế tiếp của ta, Hình 57 ắt cung cấp cho ta một ý niệm về phương thức hoạt động của hồn khóm.

 

Ta hãy giả sử rằng trên cõi trí tuệ có tồn tại hồn khóm của một số dòng giống sự sống động vật; hồn khóm này sẽ luân hồi đi luân hồi lại trên trần thế qua các đại biểu động vật của mình. Sự sống của hai con thú thuộc hồn khóm này sẽ khác hẳn nhau chừng nào chúng còn đang sống; nhưng khi chúng chết đi thì sự sống của mỗi con lại trở về với hồn khóm được hòa lẫn vào mọi sự sống khác cũng trở về như vậy để tạo thành hồn khóm của cả dòng giống ấy. Khi nhìn vào sơ đồ nếu ta coi A và B là hai đại biểu của hồn khóm trên cõi trần thì khi chúng sinh con đẻ cái – A sinh ra a, b, c, d e, còn B sinh ra f g – thì sự sống làm linh hoạt các cơ thể thế hệ mới ắt tiếp xúc trực tiếp xuất phát từ hồn khóm trên cõi trí tuệ. Ta hãy giả sử rằng trong lứa con của A thì những con thú còn nhỏ được biểu diễn là a, d e chết yểu do quá yếu sức hoặc bị kẻ thù cùa dòng giống tiêu diệt; cũng vậy, một con của B được biểu thị là g cũng chịu chung số phận. Khi những con thú này chết đi thì sự sống của chúng trực tiếp trở về với hồn khóm, đóng góp vào kho kinh nghiệm của hồn khóm một vài trải nghiệm mà chúng gặt hái được trước khi chết. Bây giờ xét theo sơ đồ ta thấy b lại sinh con đẻ cái thành ra h, i j; còn c sinh ra k l, f sinh ra m, n o. Sự sống làm linh hoạt cơ thể của thế hệ thứ ba cũng xuất phát trực tiếp từ hồn khóm, nhưng nó đã ghi khắc lên mình những trải nghiệm thu thập được qua những thế hệ trước kia vốn đã chết trước khi thế hệ thứ ba thụ thai. Khi mỗi con thú chết đi thì sự sống làm linh hoạt hình tướng động vật ấy lại tuôn đổ trở về hồn khóm; sự sống này khi trở về với hồn khóm lại thêm những ký ức bẩm sinh của mình là những trải nghiệm mà nó thu hoạch được qua đủ thứ môi trường xung quanh trên cõi trần. Chính việc ghi nhớ những kinh nghiệm quá khứ này biểu hiện thành bản năng nơi loài thú; và tâm thức của hồn khóm từ từ thay đổi theo những đóng góp mà nó nhận được từ những đại biểu trên trần thế sau khi chúng trở về hồn khóm.

Hiển nhiên là b, c f sống sót bởi vì chúng có thể thích ứng với môi trường xung quanh trong thiên nhiên vốn thường xuyên thay đổi xung quanh chúng; còn a, d, eg chết vì chúng không đủ mạnh để thích ứng với môi trường xung quanh ấy. Những con b, c, f sống sót vì chúng là con thú mạnh nhất và thích ứng nhất trong một môi trường xung quanh đầy sự cạnh tranh và đấu tranh; vì là con thích ứng nhất để sống còn cho nên chúng trở thành những kênh dẫn tiếp nhận sự sống đang tiến hóa của hồn khóm; kế đó chúng tạo ra dòng dõi của mình cũng có được cái phẩm chất thích ứng ấy để sống sót vốn đã được phát triển để đối phó với một môi trường sẵn có.

Trong tác động này của thiên nhiên nhằm tuyển trạch những hình tướng thích ứng nhất để sống còn, một vài thực thể trong thế giới vô hình đóng một vai trò quan trọng mà sơ đồ của ta gọi là những “Nhà Xây Dựng”. Những Thực thể Thông tuệ này thuộc về một giới cao hơn giới nhân loại được gọi là Thiên thần hoặc Chư thiên. Một bộ môn của những “Đấng Quang Minh” này có nhiệm vụ dẫn dắt các quá trình sống trong thiên nhiên; chính họ hướng dẫn sự đấu tranh sinh tồn, giám sát và phát triển trong phạm vi trách nhiệm của mình những đặc trưng có khuynh hướng nhắm tới những hình tướng lý tưởng của dòng giống. Họ tổ hợp những gen của Mendel vốn có sự liên hệ mật thiết với sự bộc lộ những đặc trưng ẩn tàng của sự sống ngự trong hình tướng. Trước mắt những Nhà Xây Dựng này là một vài Loại hình lý tưởng vốn phải được phát triển trong thiên nhiên để phục vụ tốt nhất những chủ đích của Sự Sống; khi có trước mắt mình những Nguyên mẫu ấy, họ giám sát và định hình các cơ thể ngay từ cõi vô hình để mang lại sự toàn thắng của kẻ thích ứng nhất vốn thật khó giải thích theo các thuyết tiến hóa bình thường.

Những thuyết sinh học hiện nay không giải thích thỏa đáng được “ba vấn đề chủ yếu trong việc tiến hóa”: nguồn gốc của các giống loài, căn nguyên của sự thích ứng và việc duy trì những khuynh hướng dài hạn. Thuyết cho rằng “thiên nhiên mù quáng” có thể hoạt động với mục đích trọn vẹn bằng một phương pháp thuần túy máy móc là thử và sai, thuyết này không đủ sức thuyết phục. Về lầu về dài thì những sự thích ứng đều hướng theo một cứu cánh nhất định. Quan niệm về hồn khóm cùng với sự tác động của các Thiên thần Xây dựng cung ứng cho ta một sự giải thích hợp lý nhất. Chính các nhà Xây dựng sử dụng phương pháp thử và sai để tác dụng dài hạn xuyên suốt mọi thời đại, nhưng ngay từ đầu họ đã biết trước loại hình cuối cùng.

Sự đấu tranh để sinh tồn là phương pháp mà các nhà Xây dựng chọn theo để trắc nghiệm những cơ thể sinh vật, để tìm ra trong cơ thể nào phát triển qua sự đấu tranh ấy, những sự thích ứng xây dựng được các loại hình càng ngày càng tiến gần tới Nguyên mẫu. Ta phải nhớ rằng khi bất kỳ cơ thể nào chết đi thì sự sống của nó không bị tan thành mây khói; sự sống ấy cùng với những trải nghiệm của mình lại trở về với hồn khóm rồi lại từ đó xuất phát ra đi sau này cư trú nơi một hình tướng khác. Vì vậy khi ta thấy trong số cả trăm hạt giống có lẽ chỉ có một hạt giống tìm được mảnh đất để sinh sôi nảy nở, còn 99 hạt giống kia bị phí phạm thì sự phí phạm này cũng chỉ biểu kiến thôi, bởi vì sự sống của 99 hạt giống “không thích ứng” sau này lại xuất hiện trong thế hệ mới dưới dạng con cháu của hạt giống duy nhất “thích ứng”.

Với nguyên tắc đã biết trước tính bất diệt của Sự Sống, các nhà Xây dựng bày trí một sự đấu tranh gay gắt để sinh tồn trong cả giới thực vật lẫn giới động vật. Trong thiên nhiên hữu hình phương pháp này tạo ra sự tàn bạo khốc liệt, thế nhưng xét theo khía cạnh vô hình thì có một sự hợp tác thân hữu nhất giữa các nhà Xây dựng điều động sự tăng trưởng của các hình tướng đang cạnh tranh với nhau. Tất cả đều có cùng chung một mục tiêu là thực thi Ý chí của Thượng Đế vốn cho họ biết trước những Nguyên mẫu nào phải được mô phỏng trong cơ tiến hóa của hình tướng.

Bây giờ ta phải tìm hiểu xem sự sống động vật biến dị ra sao trong khi tiến tới việc biệt lập ngã tính. Nếu ta xét bất kỳ hồn khóm nào, chẳng hạn như hồn khóm loài chó (Hình 58) thì trước hết ta ắt nhận thấy rằng hồn khóm của nó tồn tại trên cõi trí tuệ.

 

 

Ta hãy giả sử rằng nó biểu hiện dưới hình tướng loài chó ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Sự khác nhau về khí hậu và những biến thiên khác về môi trường xung quanh, ắt khiến cho các cơ thể chó phản ứng khác nhau tùy theo sự sống của mỗi con chó cá thể biểu lộ ở đâu trên thế giới; khi mỗi con chó cá thể sống ở một xứ khác nhau chết đi thì nó mang về cho hồn khóm một loại hình trải nghiệm và khuynh hướng đặc thù. Theo thời gian khi những trải nghiệm này tích lũy lại thì trong hồn khóm nảy sinh ra những hạt nhân khác nhau, mỗi hạt nhân tách rời các trải nghiệm và khuynh hướng đặc thù ra khỏi hạt nhân khác. Nếu ta nghĩ rằng một trải nghiệm là một nhịp độ rung động của sự sống ngự bên trong thì khi có một khối bao gồm hai nhịp độ rung động được tạo ra, khối ấy ắt có khuynh hướng bị chia ly cũng giống như một cái ly bị nứt khi ta đổ nước sôi vào nó, bởi vì nhịp độ rung động của các hạt phía trong đột ngột được kích động nhanh hơn so với nhịp độ rung động của các hạt ở phía ngoài. Cũng giống như vậy, ta ắt thấy rằng sau nhiều thế hệ thì hồn khóm loài chó sẽ chia nhỏ ra thành các hồn khóm chuyên biệt hóa gồm loài sói, loài chồn, loài chó nhà, loài lang và các biến thể khác nữa. Tương tự, hồn khóm loài mèo (Hình 58) tùy theo những trải nghiệm đã được chuyên biệt hóa cũng được chia nhỏ thành hồn khóm loài sư tử, loài cọp, loài mèo nhà v.v. . . Thật vậy, cũng giống như dòng được chia nhỏ thành họ; hồn khóm từ từ được chia càng ngày càng nhỏ ra thành các hồn khóm càng ngày càng bao gồm những đặc trưng và khuynh hướng chuyên biệt hóa.

Trong quá trình chia nhỏ hồn khóm này, ta sẽ đi tới mức mà một hồn khóm nhỏ đã được chuyên biệt hóa cao độ là sự sống ngự bên trong chỉ một số nhỏ hình tướng trên cõi trần; khi điều này xảy ra và khi các hình tướng ấy có thể được đưa vào chịu ảnh hưởng của con người thì có thể chuyển tiếp từ loài thú sang loài người và đã gần đến lúc biệt lập ngã tính.

Chẳng hạn như nếu ta xét hồn khóm nguyên thủy của loài mèo thì theo thời gian ta ắt có một hồn khóm nhỏ cấp năng lượng cho một lứa mèo nhà đã chuyên biệt hóa cao độ. (Hình 58); ở giai đoạn này thì có thể có sự biệt lập ngã tính. Nếu ta xét hai con mèo số 1 và số 2 thì ta có thể giả sử rằng kinh nghiệm của chúng khác nhau. Ta cứ giả định rằng con mèo số 1 tìm ra được một tổ ấm nơi nó được chủ đánh giá cao, rất quan tâm và chìu chuộng nó; còn con mèo số 2 sinh ra trong một căn nhà khác, nơi nó bị bỏ vào xó bếp và cấm không được léo hánh lên phòng khách. Trong môi trường xung quanh thuận lợi như thế, con mèo số 1 sẽ bắt đầu đáp ứng với những nhịp độ rung động cao mà tư tưởng và xúc động của ông chủ bà chủ đã tác động lên nó; ngay cả trước khi nó chết thì điều này ắt tạo ra một sự chuyên biệt hóa trong cái hồn khóm nho nhỏ vốn là bộ phận của hồn khóm mà hồn của con mèo số 1 sẽ tách ra khỏi phần còn lại của hồn khóm lớn. Trong trường hợp của con mèo số 2 thì khi nó chết đi sự sống nơi nó lại trở về với hồn khóm lớn rồi ở đó hòa lẫn với mọi sự sống khác cũng trở về quê cũ.

Khi con mèo số 1 trong lúc còn sống đã tách mình ra khỏi hồn khóm lớn thì ta có thể hiểu được những giai đoạn tiếp theo của việc biệt lập ngã tính qua sơ đồ sau đây. (Hình 59).

 

 

Tuy nhiên con thú mà ta đang xét không phải là con mèo mà là con chó “Jack”. Jack là con chó phóc nhà nòi vốn rất tận tụy với ông chủ bà chủ và cũng là bạn chí cốt của người viết tác phẩm này. Nếu ta nhìn vào sơ đồ tưởng tượng ra hồn khóm có bao hàm con chó Jack trước khi nó đến với chủ, hồn khóm có dạng hình chữ nhật, thì tình luyến ái đặc biệt chan chứa đổ lên con chó Jack ắt có tác dụng được biểu hiện qua sơ đồ là thu rút cái bộ phận hồn khóm chứa con chó Jack tiến lên thành hình nón bốc lên phía trên. Khối lượng vật chất trí tuệ tượng trưng cho “hồn con chó Jack” lúc bấy giờ từ từ tách rời khỏi phần còn lại của vật chất trí tuệ tạo thành hồn khóm mà ta biểu diễn qua cột thứ ba của sơ đồ này.

Thế mà việc chuyên biệt hóa con chó Jack ra khỏi hồn khóm của loài chó chẳng những nhờ vào những rung động cao siêu do ông chủ bà chủ và bạn bè của con chó Jack phóng đến cho nó, mà còn do sự kiện một Chơn thần tức một “Điểm Linh Quang của Thượng Đế” đang tìm cách tạo ra một Chơn ngã hoặc một Linh hồn để bắt đầu cuộc hành hương làm người. Từ lâu rồi Chơn thần này đã gắn kết vào một nguyên tử của mỗi một trong các cõi làm trung tâm của cõi ấy giống như một kẻ “tha thiết” đã đặt cọc trước nhắm vào một công trình trong tương lai. Những “nguyên tử trường tồn” này của Chơn thần được phóng xuống nhập vào hồn khóm loài tinh hoa ngũ hành, rồi lần lượt là hồn khóm của khoáng vật, hồn khóm thực vật và hồn khóm động vật, đi đến đâu là tiếp thu bất cứ trải nghiệm nào có thể được. Khi các”nguyên tử trường tồn” đến lúc tiếp xúc được với một bộ phận đã chuyên biệt hóa cao độ của hồn khóm động vật, chẳng hạn như “hồn con chó Jack” thì từ trên cõi cao Chơn thần lại phóng xuống một vài ảnh hưởng để hưởng ứng với công trình nơi ngoại giới mà những người bạn, người chủ đã thực hiện cho “hồn con chó Jack”. Trong sơ đồ của ta, những ảnh hưởng này được tượng trưng là lực từ Chơn thần được tuôn đổ lên “hồn con chó Jack”. Trong sơ đồ thì Chơn thần được tượng trưng là hình nón đảo ngược phía trên lớn còn đầu mút phía dưới trút xuống. Mỗi ngôi sao trong hình nón ấy biểu diễn phẩm chất mà Chơn thần đang biểu lộ trên mỗi một cõi đang hoạt động của mình.

Khi nhờ vào kết quả của những bức xạ mạnh hơn và thiêng liêng hơn xuất phát từ Chơn thần mà “hồn con chó Jack” bứt ra khỏi hồn khóm, thì xét theo hình tướng bên ngoài con Jack vẫn còn là một con chó, nhưng thật ra nó đang ở giai đoạn trung gian, vì nó nhất định không còn là chó nữa nhưng vẫn chưa là người. Giai đoạn này được minh họa trong cột thứ ba của sơ đồ. Giai đoạn kế tiếp được minh họa trong cột cuối cùng của sơ đồ; đó là khi thể nguyên nhân được hình thành do kết quả Chơn thần ào ào tuôn đổ xuống từ các cõi cao.

Ta chỉ có thể diễn tả điều xảy ra bằng một ví dụ tương tự, nếu ta tưởng tượng rằng “hồn con chó Jack” – trong cột ba được biểu diễn bằng hình nón bên dưới đầu nhọn quay lên – giống như một dung lượng hơi nước chưa có hình thù chính xác hoặc chưa được cố kết; nếu sau đó ta nghĩ rằng mọi hơi nước này đều ngưng tụ thành một giọt nước, sau đó nếu ta tưởng tượng rằng có không khí được thổi vào giọt nước để tạo thành một bọt khí; thế thì đây là một điều gì đó tương tự như điều đã xảy ra cho “hồn của con chó Jack” khi Chơn thần giáng xuống tạo ra thể nguyên nhân. Một linh khí – vốn là năng lượng của Chơn thần – tuôn đổ vào vật chất trí tuệ mà đối với con Jack đã tượng trưng cho cái hồn bé nhỏ của nó. Vật chất trí tuệ này bèn sắp xếp trở lại thành ra một thể nguyên nhân, để trở thành hiện thể của “Con trong Lòng của Cha” vốn đã giáng xuống để trở thành hồn người.

Ở đây ta nên lưu ý minh bạch rằng trong quá trình biệt lập ngã tính ấy, con thú không trở thành con người giống như loài thực vật tiến hóa thành loài động vật. Vào lúc biệt lập ngã tính, mọi điều từ ngàn xưa đã là con thú thì nay trở thành cái hiện thể chứa đựng Điểm Linh Quang tức Chơn thần từ trên giáng xuống. Chơn thần này chưa thể tạo ra Chơn ngã có thể có một Thể Nguyên Nhân, chừng nào mọi giai đoạn trước kia chưa thành tựu được khi chưa trải qua giới động vật và những giới trước nữa. Nhưng khi sử dụng được cái mà giới động vật đã dọn sẵn cho mình thì đó lại thật sự là một luồng năng lượng và tâm thức khác hẳn xuất phát từ sự sống của Thượng Đế, nhưng khác với sự sống ấy mà ta thấy ở các giới thấp hơn giới nhân loại. Chính vì thế mà giữa con khỉ giống người cao cấp nhất và linh hồn đã biệt lập ngã tính còn non trẻ nhất vẫn có một khoảng trống vô lượng về tiến hóa; ở linh hồn đã biệt lập ngã tính mặc dù còn non trẻ nhất ta có sự sống của Chơn thần (Ngội Một), còn nơi con khỉ giống người cao cấp nhất cho đến nay ta chỉ có những biểu lộ cao cấp của sự sống động vật (Ngôi Hai).

Từ lúc “hồn con chó Jack” tách ra khỏi hồn khóm của loài chó thì thật ra nó đâu còn là chó nữa, mặc dù nó vẫn còn khoác lấy hình tướng con chó. Từ lúc cách ly ấy cho tới lúc thật sự tạo lập được thể nguyên nhân còn có nhiều giai đoạn chuyển hóa nữa. Người nào hiểu được rõ quá trình biệt lập ngã tính ắt có thể đẩy nhanh giai đoạn này sao cho những người bạn mang lốt thú của ta, có thể nhanh chóng chuyển sang tiếp nhận cái Luồng lưu xuất Thiêng liêng của Thượng Đế biến mỗi hồn thú thành một Hồn Người.

Một trong những đặc quyền lớn nhất của cuộc sống mà loài người có được chính là hợp tác với Thiên cơ để đẩy nhanh quá trình biệt lập ngã tính của loài thú cao cấp; nhưng đó là một đặc quyền do vô minh chỉ có một số ít người hiện nay sẵn sàng chấp nhận. Bây giờ hầu hết mọi người coi như đương nhiên là vật dưỡng nhân (loài thú chỉ tồn tại để phục vụ cho mục đích của loài người); mặc dù quả thật chỉ có dự định để cho loài thú cung ứng sức mạnh và trí thông minh của mình giúp ta phát triển nền văn minh, thế nhưng chúng không chỉ tồn tại chủ yếu để phục vụ loài người mà thực hiện mục đích của riêng mình theo Thiên cơ. Trong tương quan với loài thú ta phải nhớ rằng trong khi chúng cống hiến sức mạnh cho ta thì bổn phận đầu tiên của ta là chúng phát triển theo đường lối ấy là để đẩy nhanh quá trình biệt lập ngã tính của mình. Thời nay, ta rèn luyện trí thông minh của loài ngựa để tự hào về tốc độ của nó; rèn luyện loài chó để phát triển sự tinh xảo của nó khi săn mồi; rèn luyện loài mèo để nó bắt chuột cho giỏi. Mọi điều này hoàn toàn là sai lầm vì loài thú được đưa đến tiếp xúc với loài người để cho ta giúp chúng cai nghiện bản năng dã man và kích động những nhân tính cao siêu hơn. Mỗi hành động của con người chỉ nhằm mục đích lợi dụng sự tinh xảo của loài thú để thỏa mãn những ham muốn của loài người đã gây thiệt hại xiết bao cho sự sống động vật đang tiến hóa lên. Ta còn chưa học được bài học là trong khi trí thông minh siêu việt cùng với việc kiểm soát những lực trong thiên nhiên khiến ta khống chế được giới động vật, thì sự khống chế ấy phải được vận dụng với ích lợi của giới động vật chứ không phải vì ích lợi của chính ta.

 

------------------------

 

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS