Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS


THIÊN CƠ ĐÓ LÀ TIẾN HÓA

Trích Chương XVI Quyển NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA THÔNG THIÊN HỌC

Tác giả C. JINARĀJADĀSA

Có một cách phát biểu được gán cho Plato với đầy ý nghĩa: đó là “Thượng Đế hình học hóa”. Trong phát biểu ấy, ta có tuyên cáo của Minh triết Thiêng liêng theo đó có tồn tại một Thượng Đế của vũ trụ, và toàn thể thiên nhiên do NGÀI tạo ra theo một Thiên cơ. Khoa học hiện đại với học thuyết tiến hóa thừa nhận trong “Thiên nhiên có một bảng thiết kế”, nhưng đối với hầu hết khoa học gia thì bảng thiết kế ấy chỉ là kết quả của sự tương tác máy móc các lực thiên nhiên chứ nó tuyệt nhiên không bảo đảm niềm tin vào Đấng Sáng Tạo. Chỉ thỉnh thoảng mới có một khoa học gia sẵn sàng thừa nhận rằng cấu trúc của vũ trụ khai thị tâm trí của một “nhà toán học thuần túy”, Đại Kiến Trúc Sư của Vũ trụ.

Minh triết Ngàn đời không ngần ngại cất tiếng tuyên cáo rằng mọi bộ phận trong bảng thiết kế của thiên nhiên đều phản ánh kế hoạch của một Trí tuệ Thiêng liêng. “Thiên cơ tiến hóa” không có tính cách máy móc; điều này dường như là một “sự hội tụ ngẫu nhiên của các nguyên tử” thì thật ra lại là hợp lực theo qui tắc đường chéo hình bình hành của các năng lượng ThưỢng ĐẾ; s lượng và phương hướng của chúng khi chúng tác động được NGÀI xác định vào mỗi lúc.

Tâm trí hiện đại khó lòng tưởng tượng ra được Thái dương hệ của ta là một cơ thể sống động. Thế nhưng nó vốn dĩ như vậy. Hình khối cầu trong không gian có tâm điểm là Mặt trời, và bán kính là khoảng cách từ tâm điểm tới hành tinh “X” vượt quá Diêm vương tinh (Xem Hình 3) chính là thể xác của THƯỢNG ĐẾ và tâm trí của NGÀI điều động mọi hoạt động bên trong cái khối cầu rộng lớn ấy. Mức độ vĩ đại của Tâm trí này con người khó lòng tưởng tượng được; chỉ thỉnh thoảng ta mới có thể thoáng thấy được những điều kỳ diệu của Nó khi ta nghiên cứu cơ sáng tạo. Khi nhìn vào Tâm trí ấy bằng tâm hồn, Nó xuất hiện dưới dạng Tình thương vô hạn; khi quan sát Nó với óc tưởng tượng của một họa sĩ tài hoa thì Nó là Vẻ đẹp vô ngần.

Khi tâm trí ta quan sát các hoạt động của Nó trong thiên nhiên hữu hình thì Nó bộc lộ ra một bảng thiết kế hình học hấp dẫn. Tại sao “Thượng Đế lại hình học hóa” thì ta chưa thể biết được chừng nào cái trí bé nhỏ của ta còn chưa tiếp xúc trực tiếp được với đại Trí của NGÀI, ta chỉ có thể dùng mắt phàm quan sát rồi suy gẫm theo báo cáo của chúng thì thấy chúng báo cáo là có sự trật tự, nhịp điệu và vẻ đẹp.

Mọi vật chất đều là điện, mặc dù chưa ai biết điện là gì; đâu là từ khí tức lực do điện cảm ứng. Khi chưa biết bản chất thực sự của hai lực này thì ta đã biết được rằng khi một trong hai lực là từ lực tác động thì tức khắc xuất hiện mẫu thiết kế theo hình học. Khi ta xuyên những cái kim thẳng đứng trên những nút bấc thì mỗi cái kim biến thành nam châm có cực bắc và cực nam, khi ta để cho những nút bấc bập bềnh trên mặt nước và khi ta đặt bên trên những cái kim nổi lềnh bềnh ấy một nam châm điện mạnh thì kết quả được trình bày trong Hình 122.

CÁC CÂY KIM CÓ TỪ TÍNH CỦA ÔNG MAYER

Hình 122

Khi chỉ có một cái kim nổi lềnh bềnh thì nó chịu ảnh hưởng trực tiếp của nam châm; khi ta đưa vào một nút bấc thứ nhì thì hai nút bấc xếp vào kề cận nhau; ba nút bấc thì tạo thành một tam giác; bốn nút bấc thì tạo thành một hình vuông; năm nút bấc thì tạo thành một hình ngũ giác; sáu nút bấc thì tạo thành một hình ngũ giác có một cái kim ở tâm điểm. Ta tiến hành thí nghiệm này tới mức 52 cái kim; khi đạt tới 51 cái kim thì ta có các vòng tròn sáu cái kim, 11 cái kim, 14 cái kim và 19 cái kim cùng với một kim ở chính giữa; khi đạt tới 52 cái kim thì các vòng tròn cũng giống như vậy, nhưng thay vì một cái kim thì có hai cái kim tạo thành hạt nhân mà các vòng tròn tụ tập quanh đấy. Tại sao các nam châm lại sắp xếp theo mẫu thiết kế hình học như vậy? Bởi vì tác dụng như thế là “Thiên cơ” đối với từ tính.

Đó là vì mọi chuyện đều được thể hiện ra qua một công trình được phác họa cho nó theo Thiên cơ ấy. Ngay cả vào lúc mới bắt đầu các lực vật lý thì “con số” và “hình học” đều bước vào tác động. Pythagore đã dạy chính điều ấy khi ông bảo rằng vũ trụ được kiến tạo theo “con số”. Ta nhìn vào bất cứ đâu thì cũng thấy xuất hiện một mẫu thiết kế hình học. Và cũng giống như nhịp điệu trong cấu trúc và sự vận động có nghĩa là âm nhạc, thì vũ trụ tạo ra âm nhạc khi nó tác động theo nhiệm vụ của mình. Các electron tạo ra những làn sóng khi chúng chạy ùa qua chất æther; nhưng thần nhĩ bình thường ít khi nghe thấy được những nốt nhạc của chúng. Thế nhưng ta có thể nghe thấy được nốt nhạc mà Trái đất tạo ra khi nó chạy vòng quanh Mặt trời, dọn đường đi qua chất æther, đó là những hòa âm của nốt nhạc ấy [[1]]. Mỗi hành tinh hữu hình và vô hình đều có nốt nhạc của nó và “âm nhạc của các thiên cầu” không phải là một điều hoang tưởng mà là một sự thật đơn giản nhất.

Bây giờ ta hãy xem xét trong một lúc cực vi tử hồng trần (Hình 123).  

Hình 123

Đó là một quả tim sống động, mạch động bằng năng lượng; nó ba vòng xoắn ốc thô và bảy vòng xoắn ốc mảnh cho nên nó cũng là một máy biến áp; mỗi vòng xoắn ốc được tạo thành bởi bảy cấp loa tuyến. Các vòng xoắn ốc và loa tuyến là cơ sở cấu trúc của nó; nguyên tử được định hình như vậy để làm việc.

Theo chỗ chúng tôi quan sát cho đến nay thì nguyên tử có ba chuyển động riêng, nghĩa là sự vận động tự thân của nó, độc lập với bất cứ thứ gì áp đặt lên nó từ bên ngoài. Nó không ngừng xoay quanh trục của mình, xoay tít như một bông vụ; nó mô tả một vòng tròn nhỏ với trục dường như thể trục của bông vụ xoay tít, chuyển động trong một vòng tròn nhỏ; nó có một sự mạch động đều đặn, co rút và bành trướng, giống như trái tim co bóp. Khi ta tác động lực lên nó thì nó uốn éo lên xuống, điên cuồng lắc lư từ bên này qua bên kia tạo thành những hồi chuyển nhanh chóng và đáng kinh ngạc nhất, nhưng ba chuyển động không ngừng tiếp diễn. Nếu ta làm cho nó, xét chung, rung động với một nhịp điệu phát ra bất kỳ màu nào trong bảy màu thì đường xoắn ốc thuộc về màu ấy sẽ chói sáng lên rực rỡ”. [[2]]

Tại sao nguyên tử lại có hình dáng đặc thù ấy cùng với nhiều chuyển động và chức năng như thế? Bởi vì đó chính là “Thiên cơ” dành cho nguyên tử. THƯỢNG ĐẾ kỳ vọng sự sống bé xíu này sẽ hợp tác, và từ thời đại này sang thời đại khác, các nguyên tử đã được các tác nhân của NGÀI rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ ấy. Và khi con người sẵn lòng làm hết nhiệm vụ của mình thì nguyên tử và nhân loại mới gia nhập vào một công trình chung một cách cương quyết mà hiện nay chưa thể có được.

Trật tự, nhịp điệu và vẻ mỹ lệ còn hiển nhiên với tâm trí của ta hơn nữa khi ta nhìn vào hình dáng của các nguyên tố hóa học. [[3]]. Năm “hình khối Plato” (Xem Hình 124) cung cấp cho ta các trục cấu trúc của mọi nguyên tố.

Hình 124

Quả thật, Thượng Đế hình học hóa khi NGÀI xây dựng những viên gạch vật chất mà Thái dương hệ được tạo thành từ đấy. Tại sao Calcium lại là một hình tứ diện, còn Phosphor là một hình khối vuông? Bởi vì đó là Thiên cơ. Đó là vì mỗi nguyên tố đều đóng vai trò trong Đại Thiên Cơ; mỗi nguyên tố đều cung cấp cho vũ trụ sự khai thị của chính mình về bản chất của THƯỢNG ĐẾ. Mỗi nguyên tố là một tấm gương soi chiếu viên mãn không bao giờ cạn kiệt của Sự Sống Thượng Đế; mỗi nguyên tố là một kênh dẫn để đưa xuống cho trần thế những năng lượng của Sự Sống ấy, cũng như dẫn lên trên và dẫn vào trong Nó sự đáp ứng mà thiên nhiên ban ra.

Khi ta đến với thế giới phân tử thì có ai lại không lưu ý khi nhìn vào các khoáng chất bằng cách nào mà các tinh thể lại hoàn thiện hóa được mẫu thiết kế hình học? Độ chính xác của các góc trong tinh thể thường hoàn hảo hơn cả mức độ thành tựu được khi ta dùng những dụng cụ đo lường nhân tạo chính xác nhất. Sau khi đã kiến tạo những hình khối theo góc đẹp tuyệt vời về sự đối xứng và mỹ lệ thì sự sống khoáng vật kế tiếp lại định hình ra những hình khối có đường cong; ta chỉ còn biết triền miên trầm trồ thán phục trước sự tinh xảo của các khoáng chất khi nó sắp xếp những tinh thể thạch anh nhỏ xíu và những khoáng chất khác nữa để tạo thành những đường xoắn ốc. (Hình 125).

Hình 125 

Các hoạt động sống thuộc giới khoáng vật là một sự vinh danh Trí tuệ Thượng Đế vốn suy tư bằng những “con số” và bao giờ cũng định hình các tổ hợp nguyên tố thành ra các dạng trật tự, nhịp điệu và vẻ đẹp. Mỗi khoáng vật thi hành Thiên cơ đối với mình và thế giới tinh thể là một gương soi những định luật hình học của Trí tuệ Thượng Đế mà nghệ sĩ cảm nhận được và nhà toán học suy diễn được.

Khi sự sống của Thượng Đế biểu hiện qua các dạng vật chất mềm dẻo hơn thì nhịp điệu và âm nhạc trở nên càng phức tạp hơn trong mỗi giai đoạn cao hơn. Mỗi cái cây được kiến tạo một cách nhịp nhàng, vị trí của cái lá trên cành nhỏ và cái cành trên thân cây đều được ấn định theo những định luật hình học và mẫu thiết kế. Khi ta nhìn vào những đóa hoa thì mỗi đóa hoa do được kiến tạo theo “con số” cho nên giống như một hợp âm trong một đại bát độ âm nhạc. Ta hãy xét tới sự sắp xếp các lá đài hoa và cánh hoa, các nhụy đực của hoa và phấn hoa trong bất kỳ đóa hoa nào cũng như hình học của sự sống khoáng vật tái xuất hiện trong những biến thái mới và tổ hợp mới ở giai đoạn kế tiếp là hồn khóm thực vật; chắc chắn Thượng Đế hình học hóa khi NGÀI kiến tạo bốn loại hình trong Hình 126 gồm cây lythraceae (trân châu), cây cucurbitaceae (bầu), cây boragineae (tử thảo) và cây geraniaceae (phong lữ).  

Hình 126 

Khi ta xét tới sự sống trong giới động vật thì hình học của Thượng Đế tuyệt diệu xiết bao qua vỏ sò của loài Nautilus pompilius (Hình 127) 

Hình 127

 

Hình 128 

và vỏ sò của loài Solarium (Hình 128). Vẻ đẹp rõ ràng hiện ra ngay trước mắt ta đăm đăm nhìn; nhưng đâu là những định luật toán học qua các đường cong của chúng và định luật của cơ học trong việc uốn nắn những buồng bên trong của chúng? Trong loài Nautilius, chắc chắn ta thấy một nhà Hình học Vĩ đại đang thao tác, cái Trí của NGÀI tràn đầy nhịp điệu và sự du dương.

Trong tất cả hằng hà sa số các tạo vật thuộc giới động vật thì Thượng Đế cũng hình học hóa giống như cái cây và giới khoáng vật. Nhưng hình học của NGÀI kém hiển nhiên hơn, mặc dù sự vận động của mọi cơ bắp đều minh họa những định luật của sự chuyển động nhịp nhàng và một vẻ đẹp cao siêu hơn tồn tại trong giới động vật hơn hẳn giới thực vật và khoáng vật. Đường nét thanh bai của tứ chi vận động với một nhịp điệu phức tạp khó phân tích nổi, đặc trưng cho mọi hình tướng trong giới động vật. Trong mỗi con thú thì Thượng Đế hình học hóa và đều dạy dỗ cho nó bổn phận theo Thiên cơ của NGÀI.

Như vậy “Thiên cơ tiến hóa” được triển khai trong mỗi cấp sáng tạo, từ nguyên tử cho tới con thú. Và khi sinh hoạt trong giới động vật biệt lập ngã tính để thành nơi cư trú của một Chơn thần thì một Con của Thượng Đế xuất hiện nhằm thực chứng Thiên tính của mình, lúc bấy giờ trọn cả sự sống của con người – miễn là y biết cách sống – có thể trở thành một sự hài hòa về tư tưởng, xúc cảm và hành động, biểu hiện ra trong các thế giới hữu hình và vô hình, hết hình tướng này tới hình tướng khác,  đầy vẻ mỹ lệ. Lúc bấy giờ mọi nguyên tử và tế bào trong các hiện thể xuất hiện để mang lại sự ưa thích nhịp điệu, trật tự và vẻ đẹp của mình, ban ra cho sự sống của y thành một bài ca du dương trong bản hợp tấu vĩnh hằng của THƯỢNG ĐẾ. Đó là vì chúng ta tạo ra âm nhạc ở bất cứ nơi đâu mà ta đi tới bằng tất cả những hiện thể của mình – thể xác, thể vía, thể trí và thể nguyên nhân; hoặc là ta khuếch đại những hợp âm lớn mà THƯỢNG ĐẾ phóng ra, rồi từ đó dệt nên những điệu nhạc du dương mới của chính mình, hoặc là ta làm hư hỏng âm nhạc của thiên nhiên và đưa vào những sự bất hòa vang dội gây ra sự rối rắm trong những bản nhạc du dương mà những người khác, cao cả hơn ta, đang ra sức dệt nên.

Thiên cơ dành cho con người là phải bộc lộ Thiên tính tiềm tàng của mình. Đó là vì THƯỢNG ĐẾ đưa chúng ta tách rời khỏi NGÀI để cho ta sống cuộc đời riêng, mỗi sinh linh cứ bị cột vào vòng sinh tử luân hồi liên miên và mỗi sinh linh giống như một ngày trong Trường học Sự Sống Đời Đời, cứ một kiếp là một ngày đi học. Khi học ở đấy chúng ta được các Ngôn Sứ của NGÀI dạy cho những bài học cần thiết để cho ta chuyển từ lớp thấp lên lớp cao. (Hình 129).

Trường học của Sự Sống Đời đời 

Trình độ

Động cơ Hành động

CẤP CHƠN SƯ

Không phải ý chí của tôi mà là ý chí của Cha

CẤP ĐỆ TỬ

Nhân danh Ngài

CẤP THIỆN NAM TÍN NỮ CÓ TÍNH LINH

Tôi sẽ giúp bạn

NGƯỜI ĐÃ VĂN MINH

Chúng ta hãy chia xẻ với nhau

NGƯỜI DÃ MAN

Tôi muốn điều ấy

Hình 129 

Thiên cơ dành cho kẻ dã man là lòng ích kỷ, cứ nằng nặc đòi điều mà “mình muốn” để củng cố cái trung tâm cá thể của mình. Nhưng sau nhiều kiếp làm người dã man Thiên cơ dành cho y thay đổi và “chúng tôi” chứ không phải “tôi” từ từ trở thành bài học mà y phải học; giờ đây y phải cộng tác với THƯỢNG ĐẾ bằng cách chia xẻ chứ không phải bằng cách chỉ đòi hỏi cho một mình mình. “Chúng ta hãy chia xẻ điều ấy” trở thành tín điều của y trên cương vị là một công dân của một cộng đồng. Rồi kế tới giai đoạn sau này, khi y phải là người có tính linh với nốt chủ âm trong cuộc đời là  muốn chia xẻ gánh nặng của người khác. “Tôi sẽ giúp bạn” là cách thức mà Thiên cơ nói với tâm hồn kẻ nào vươn lên tới tính linh.

Thiên cơ dành cho Đệ tử là y sẽ sinh hoạt nhân danh Sư phụ. Cứ ngày này qua ngày khác trở thành một người cai ngục cao thượng hơn và một người bố thí thánh thiện hơn ban ra những sự ban phước mà Chơn sư tạo ra cho thế gian. Trong giai đoạn cuối cùng là trình độ Chơn sư Minh triết, Thiên cơ được thành tựu trọn vẹn và linh hồn sống trong sự hiệp nhất khôn tả của con người với Thượng Đế. “Tôi không mưu tìm ý chí của riêng mình mà mưu tìm ý chí của Cha”, đó là động cơ thúc đẩy mọi hành động. Vì chỉ có Ngài mới biết được chứ không ai ở dưới mức thành tựu của Ngài biết được, cho nên Ngài ngộ ra được ngụ ý của các bậc Thánh hiền khi chư Thánh hiền dạy rằng: “Tôi là Tự Ngã”, và ngụ ý của Đấng Ki Tô khi Ngài tuyên cáo, “Ta với Cha ta đã hiệp nhất”.

Và sự mầu nhiệm này, vốn là kinh nghiệm của Chơn sư Minh triết từng trải qua mọi lúc, đó chính là Thiên cơ của Thượng Đế dành cho mọi người, kẻ dã man cũng như người văn minh, thiện nam tín nữ có tính linh cũng như Đệ tử. Và NGÀI sẽ hoàn thành nó trong dịp thuận lợi nhất khi đạt được sự cộng tác của tất cả mọi người, của kẻ tội lỗi cũng như người thánh thiện. Chỉ vì mục đích ấy thôi, NGÀI đã xả thân để định hình một vũ trụ cho ta có nơi cư trú và tăng trưởng. NGÀI hoạt động ở đâu thì ở đó không thể thất bại được và gia nhập với NGÀI trong công tác của mình, đó là cảm thấy sự bất tử và bản lĩnh bậc thầy.

Thỉnh thoảng ta thấy dường như Thiên cơ của Thượng Đế là một loạt sự mỏi mệt và đau khổ, nhưng thật ra không phải vậy, đó không phải là một Số phận khôn nguôi khiến cho mỗi niềm vui mà con người tự tạo cho mình lại đi kèm theo biết bao nhiêu phiền não. Đối với đứa trẻ đang tập đi thì khi nó cất bước đầu tiên, chân nó ắt căng thẳng và trí nó ắt lo âu; nhưng nếu khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt lấp lánh nụ cười của mẹ hiện ra trước mắt nó để khích lệ nó thì nỗ lực của cơ thể nó cũng bé nhỏ thôi so với niềm cực lạc tối hậu khi sà vào vòng tay âu yếm của mẹ. Trọn cả cuộc đời cũng thế thôi. Nếu xét theo một góc độ nào đấy, cơ tiến hóa dường như là một sự căng thẳng triền miên thì xét theo một góc độ khác đó lại là một vở tuồng làm ta phấn khởi. Đó là Trò chơi vĩ đại mà THƯỢNG ĐẾ đang đùa cợt với chúng ta và những định luật Công chính là những luật chơi.

Mỗi người phải tự cảm nhận được niềm vui đang chảy len lỏi bên dưới những qui trình của thiên nhiên xuất phát từ những trải nghiệm của chính mình. Ắt phải trải qua nhiều kiếp trước khi con người có thể tự nhủ Tình thương là sự chu toàn Thiên luật bất chấp mọi điều mà mình phải chịu đựng đắng cay; nhưng sự tiến hóa của y chưa hoàn chỉnh khi y chưa tự biết rằng trái tim của vạn vật quả thật là Tình thương và Niềm vui, chứ còn mọi bi kịch trong cơ tiến hóa chỉ là một giai đoạn thoáng qua.

Một trong những giáo huấn bí nhiệm của quá khứ là vũ trụ đang đùa cợt trong khi làm việc. Ấn giáo dạy rằng mọi sự biểu lộ đều là “vũ điệu của Shiva” và các Bí pháp Eulesis cũng giảng dạy giáo lý giống như thế. Trong các Bí pháp ấy, một trong những điều mà Điểm đạo đồ phải trải nghiệm, đó là việc cảm nhận trong “cái giỏ linh thiêng” có thứ gì; đây là “đồ chơi” của Dionysus, Anh nhi Thiêng liêng. Truyền thuyết cho biết rằng đó là con xúc xắc, cái bông vụ, quả banh và tấm gương. Trong Hình 130 ta thấy chúng thật sự là gì. 

CÁC BÍ PHÁP CỦA ELEUSIS

Đồ chơi của Dionysos, Anh nhi Thiêng liêng

Hình 130 

Con “xúc xắc” là Năm Hình khối Plato, cung cấp các trục tăng trưởng cho những nguyên tố hóa học và tinh thể; “bông vụ là mô hình của cực vi tử hồng trần, “quả banh” là mô hình của Trái đất, còn “tấm gương” là biểu tượng của bảy cõi trên đó có phản chiếu những gì THƯỢNG ĐẾ đã định hình ở trên cao. Đây là “đồ chơi” của THƯỢNG ĐẾ trên cương vị Anh nhi Thiêng liêng và các Điểm đạo đồ ở Eleusis được dạy cho cách cảm nhận bên dưới các quá trình của thiên nhiên có một dòng chảy ngầm sâu thẳm mang niềm vui bất tận.

Mọi nguyên lý Thông Thiên Học mà công trình này đã ra sức giải thích cho đến nay được tổng kết trong hình kế tiếp, Hình 131.

NHỮNG NGUYÊN LÝ CỦA SỰ TIẾN HÓA 

1

Tâm thức Thiêng liêng tự khoác lấy dạng Sự Sống và Vật chất

2

Hình tướng chết đi để phóng thích Sự Sống. Sự Sống trở lại trong Hình tướng được tổ chức tốt đẹp hơn.

3

Việc kiến tạo Hình học trong mọi hình tướng hữu hình và vô hình

4

Vạn vật đều được cấu tạo theo Nguyên mẫu trên cao

5

Con người củng cố trung tâm của mình qua sự Ích kỷ; y tỏa ra từ trung tâm qua sự Xả thân

6

Sự Sống Thiêng liêng tồn tại trong vạn vật – khoáng vật, thực vật, động vật, con người – không hơn không kém, mà là Thiên tính Toàn bích

Hình 131

Câu châm ngôn đầu tiên và cuối cùng trình bày manh mối về điều xảy ra xung quanh ta, mọi thứ đều là tâm thức, chính là Tâm thức Thiêng liêng chứ không có gì khác nữa; và bất cứ nơi đâu có sự Biểu lộ Thiêng liêng khai thị thì không có “nhiều” hoặc “ít”. Ở đâu có NGÀI thì ở đó NGÀI đạt được sự Toàn bích.

Cho đến nay ta đã xem xét Thiên cơ phần lớn theo quan điểm con người với vai trò là cá thể và đơn vị; chỉ thỉnh thoảng ta mới có được một thoáng nhìn về Thiên cơ ở khía cạnh lớn lao hơn. Ta chỉ còn có việc toan tính xem xét Thiên cơ nói chung. Miễn là ta có thể bước ra ngoài giới hạn các cõi của bầu hành tinh ta thì ta ắt thấy được công trình của THƯỢNG ĐẾ dành cho Thái dương hệ xét chung.

Những người có thể nhìn thấy rằng toàn thể công trình ấy như thế nào đều bảo rằng dáng vẻ của Thái dương hệ nhìn từ các cõi cao là một Đóa hoa vũ trụ kỳ diệu bao gồm nhiều cánh hoa và màu sắc với một nhụy hoa lớn màu hoàng kim tức Mặt trời với vai trò là tâm của Đóa hoa (Xem tranh đầu sách, Hình 132) [[4]]. Mỗi một trong Bảy Hành tinh Thượng Đế thấm nhuần trọn cả hệ thống bằng ảnh hưởng của mình, nhưng vật chất đặc biệt chịu ảnh hưởng của một loại hình ấy lại tạo thành một hình ellipse lớn trong không gian có tiêu điểm chính là Mặt trời và tiêu điểm phụ là hành tinh của Hành tinh Thượng Đế. Những hình ellipse gây ảnh hưởng này đang biến đổi trong mối quan hệ với nhau và những biến đổi ấy phần nào được biểu thị qua vị trí thay đổi của các hành tinh trên cõi thấp. Như vậy, Thái dương hệ với vai trò là THƯỢNG ĐẾ và bảy vị Phụ tá cao cả làm việc với NGÀI, xuất hiện thành một Đóa hoa lớn gồm nhiều cánh hoa ở tâm điểm là một trái tim lớn màu hoàng kim chói rực. [[5]]

Bất cứ ai có thể đạt tới tầm nhìn về công trình này của THƯỢNG ĐẾ chẳng bao giờ có được hình bóng để có một chút nghi ngờ nào về Tình thương, Sức mạnh và vẻ Mỹ lệ của NGÀI. Mỗi linh ảnh về Chơn lý qua tôn giáo hoặc triết học, qua khoa học hoặc nghệ thuật, qua lòng nhân ái và việc phụng sự đều đưa linh hồn tiến một bước tới gần mục tiêu hơn nữa; đó là sống, vận động và hiện tồn với trọn vẹn ý thức và với niềm vui tột độ bên trong THƯỢNG ĐẾ của Thái dương hệ ta.

---------------------


[[1]] Tôi có thể chứng nhận sự tồn tại của một số nốt nhạc này vì suốt ngày đêm tôi có trải nghiệm cá nhân về nó. C. J.

[[2]]  Hóa học Huyền bí của Annie Besant và C. W. Leadbeater.

[[3]]  Xem chương 10. “Sự tiến hóa của Vật chất và Lực”.

[[4]] Ta không thể làm được gì hơn là phác họa gợi ý chút ít linh ảnh này qua một sơ đồ. Trong một sơ đồ nhỏ thì ta không thể đặt các hành tinh theo một thang tỉ lệ thực sự. Các màu sắc mà ta chọn theo không phải là các màu sắc cổ truyền của Bảy Hành tinh Thượng Đế mà chỉ là bảy màu quang phổ mặt trời xét theo đúng thứ tự. Màu sắc được dùng ở Chaldea thời xưa được miêu tả trong quyển Con người: Từ đâu đến, Sinh hoạt ra sao, rồi sẽ Đi về đâu của Annie Besant và C. W. Leadbeater, Chương xiii]

[[5]] Xem quyển Sự Sống nội giới của C. W. Leadbeater, quyển I, trong mục Biểu tượng hệ có mô tả đầy đủ hơn.

 

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS