trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở 

 

 

 

SỰ KHÁC NHAU GIỮA

THÔNG THIÊN HỌC VÀ THẦN LINH HỌC

trích trong Bí Quyết Thông Thiên Hoc

 


 

Vấn : Như vậy bạn không tin tưởng nơi Thần Linh Học hay sao ?

Đáp : Nếu bạn hiểu từ ngữ “Thần Linh Học” theo các nhà Thần Linh Học giải thích về vài hiện tượng phi phàm, thì chắc chắn rằng chúng tôi không tin như thế.  Thật vậy, theo các nhà Thần Linh Học thì các sự biểu hiện nầy đều được phát sinh do các “Chơn linh” của người thường hay của thân quyến, theo lời họ nói, đã từ giã cõi đời và còn trở lại đây để liên lạc với những người họ mến thương, hoặc giả có liên quan mật thiết. Đây là điều chúng tôi tuyệt đối từ khước. Chúng tôi xác nhận các chơn linh của người chết không thể nào trở lại địa cầu, ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt mà tôi sẽ bàn luận về sau. Họ cũng không thể liên lạc với người ở cõi trần trừ phi họ phải nhờ những phương tiện thuần chủ quan. Những gì hiện ra một cách khách quan chỉ là bóng ma của con người vật chất đã chết. Còn về Thần linh học tâm linh hay nói cách khác là “Tâm Linh,” thì chúng tôi tin tưởng hoàn toàn.

 

Vấn : Có phải bạn cũng phủ nhận các hiện tượng không ?

Đáp : Chắc chắn không, trừ trường hợp cố ý gian lận.

 

Vấn : Bạn giải thích điều nầy như thế nào ?

Đáp : Bằng nhiều cách. Các nguyên do của sự biểu hiện về loại vừa kể không giản dị như các nhà Thần Linh Học tưởng nghĩ. Trước tiên, con ma ngoại cảnh (le deus ex machina) của những cái được gọi là “sự biểu hiện” thường là của cảm thể (thể vía) hoặc của nhị thể (thể phách) của đồng tử hoặc của một trong nhóm người đến dự. Cảm thể nầy cũng là tay sản xuất hoặc là động lực chủ động trong các sự biểu hiện một cách viết trực tiếp [i] hay theo “Davenport” v.v...

 

Vấn : Bạn nói “thường” vậy có cái chi phát sinh những biểu hiện khác nữa chăng?

Đáp : Việc nầy tùy theo tính chất của sự biểu hiện. Đôi khi là xác chết của cảm thể, của “vỏ cứng” (coques) của Kama-Loka (cảm dục giới) của những vật không còn hiện hữu nữa; có khi là các hành khí (Élémentaux). “Chơn Linh” là một danh từ có nghĩa rộng rãi và không cố định. Thực sự chẳng hay các nhà Thần Linh Học hiểu nghĩa danh từ đó ra sao. Chúng tôi xin giả thiết rằng họ xác định các hiện tượng vật lý được phát sinh bởi Chơn Ngã (Ego) tái sinh, “Cá thể tính” tâm linh bất tử. Và đây là một luận đề mà chúng tôi từ khước hoàn toàn. Cá thể tính ý thức của những bản thể tử vong không thể tự hiện hình ra được; nó cũng không thể rời bỏ lĩnh vực trí năng Thiên Đàng riêng biệt của nó để trở lại cõi giới khách quan tính trần gian.

 

Vấn : Tuy nhiên, có nhiều sự liên lạc nhận được từ các “chơn linh,” chứng tỏ rằng không những có sự thông minh mà còn có sự hiểu biết về các sự kiện người đồng tử chưa từng tri thức bao giờ, và đôi khi còn xa lạ với tâm thức của người sưu tầm cũng như của tất cả người tham dự.

Đáp : Điều nầy không nhất thiết chứng tỏ rằng sự thông minh và hiểu biết mà bạn vừa nói lại thuộc vào các chơn linh hoặc phát tỏa từ những linh hồn tử vong. Người ta được biết về trường hợp của những người mộng du, trong lúc xuất thần họ sáng tác âm nhạc, thi thơ và giải quyết được những bài toán mà họ chưa bao giờ học qua âm nhạc hay toán học. Nhiều người mộng du khác đã trả lời một cách hoạt bác các câu hỏi được đặt ra, và trong nhiều trường hợp, họ nói tiếng Hi Ba Lai (Hébreux), tiếng La tinh, những ngôn ngữ mà họ hoàn toàn không hiểu biết trong lúc thức tỉnh. Tất cả điều vừa kể thể hiện trong trạng thái ngủ mê. Vậy, bạn còn cho rằng những điều đó là công trình của các “chơn linh” nữa không ?

 

Vấn : Bạn giải thích việc nầy ra sao ?

Đáp : Chúng tôi xác nhận rằng do cái bản chất tinh túy của tia sáng thiêng liêng ẩn trong mọi người nên mới có sự đồng nhất và là một với Chơn linh phổ quát, cái “Ngã” tâm linh của chúng ta thì toàn tri trên phương diện thực tế, nhưng nó không thể biểu hiện sự hiểu biết vì chúng bị cản trở bởi vật chất đối kháng. Nếu người ta càng giảm bớt trở ngại nầy; nói cách khác, nếu thể xác càng bị tê liệt về những gì có liên quan đến sự hoạt động tự do cùng tâm thức riêng biệt của nó như đã xảy ra trong giấc ngủ mê hoặc lúc xuất thần thâm sâu, hay trong cơn bệnh hoạn thì cái Ngã nội tâm có thể tự biểu hiện một cách toàn vẹn hơn trên cảnh giới vật chất. Đây là sự giải thích của chúng tôi về các hiện tượng rất kỳ diệu trên bình diện cao mà trí thông minh và sự hiểu biết tự phát lộ rõ ràng. Còn các sự biểu hiện trên bình diện thấp như hiện tượng vật lý, điều vô vị và chuyện phàm tục của các “Chơn linh” như thường thấy xảy ra, phải có nhiều thì giờ và giải thích trong nhiều chương hơn về các giáo huấn quan trọng nhất của chúng ta. Vả lại chúng tôi không muốn xen vào tín ngưỡng của các nhà Thần Linh học hoặc của các tôn giáo khác. Chính những người tin tưởng vào “Chơn linh,” mới có bổn phận chứng minh tín ngưỡng của họ. Hiện nay, tuy các thủ lãnh thông thái, minh mẫn nhất trong số những nhà Thần Linh học tin chắc rằng, các sự biểu hiện trên phương diện thượng đẳng được xảy ra do trung gian của các linh hồn tử vong, nhưng họ lại là những người đã thú nhận trước tiên rằng tất cả các hiện tượng đều không do Chơn linh phát sinh. Và lần lần, chính họ phải nhìn nhận sự thật; trong khi chờ đợi chúng tôi không có quyền hay ý muốn cải cách họ theo thể thức nhìn thấy của chúng ta và điều nầy ít ra là, khi có các sự biểu hiện hoàn toàn tâm lý và tâm linh, chính chúng lại tin tưởng nơi sự liên lạc hổ tương giữa chơn linh của người sống và chơn linh của những cá thể tính tử vong.

 

Vấn : Như vậy bạn đã phủ nhận triết lý của Thần Linh Học ?

Đáp : Nếu bạn hiểu “triết lý” là các lý thuyết mơ hồ, chúng tôi từ khước hẳn thứ triết lý nầy. Nhưng thực sự Thần Linh Học không có triết lý, như các người bảo vệ thông minh và trang nghiêm nhất của nó đã từng nói. Chỉ có một chơn lý chính yếu và rõ rệt mà họ giảng dạy – đó là các hiện tượng được phát sinh bởi các đồng tử dưới sự quan sát của những động lực và trí linh vô hình –  không một ai muốn hay có thể phủ nhận chơn lý nầy, trừ ra những người theo thuyết duy vật mù quáng thuộc “phái của Huxley”. Tuy nhiên, về triết lý của họ, bạn cho phép tôi kể ra điều mà nhà xuất bản thông thái của tập san Ánh Sáng (Light) và cũng là người bảo vệ sáng suốt, tận tụy của Thần Linh Học đã nói về họ và về triết lý của họ. Đây là điều mà ông “M. A. Oxon,” một nhà Thần Linh Học hiếm có đã trở thành triết gia, viết về những gì liên quan đến sự thiếu tổ chức và mê tín mù quáng của các đồng môn của ông:

“Chúng ta nên cứu xét kỹ lưỡng điểm nầy vì nó rất quan trọng. Chúng ta kinh nghiệm, hiểu biết cách nào khiến cho mọi sự hiểu biết khác trở thành tương đối một cách vô nghĩa. Nhà Thần linh học bậc thường hay nổi giận đối với ai nghi ngờ sự đoán biết hoàn toàn của họ về tương lai cũng như về đời sống sắp tới một cách tuyệt đối. Nơi mà các người khác đã đưa hai bàn tay yếu ớt dò dẫm tương lai vô định trong khoảng tối tăm, thì họ lại tiến bước một cách dạn dĩ như người nắm được địa đồ và biết được con đường của những xứ mà họ đã đi qua. Nơi mà các người khác dừng lại và chỉ bằng lòng với một nguyện vọng tôn kính hoặc những giáo huấn của một tín ngưỡng di truyền, thì họ lại tự hào đã biết điều chi mà họ chỉ có thể tin tưởng mà thôi, họ còn tự kiêu rằng họ có thể thay thế bằng sự hiểu biết những tín ngưỡng mong manh chỉ căn cứ vào hi vọng. Họ tỏ ra độ lượng khi luận về các hi vọng mật thiết nhất của con người. Dường như họ muốn nói: ‘‘Anh chỉ biết hi vọng thôi về điều mà tôi có thể chứng minh được. Anh đã chấp nhận một tín ngưỡng theo truyền thống của điều mà tôi có thể dẫn chứng, bằng các phương pháp khoa học chính xác nhất. Các tín ngưỡng cổ càng ngày càng suy giảm, các anh hãy tách rời ra khỏi chúng, và hãy giữ cho được sự cách biệt. Chúng chứa đựng bao nhiêu điều dối trá cũng như chân lý. Chỉ lúc nào xây cất được nền móng vững chắc trên các sự kiện đáng tin cậy, anh mới có thể dựng lên được một tòa nhà bền vững. Từ mọi hưóng, người ta nhận thấy các tín ngưỡng cổ sụp đổ. Hãy ra khỏi chúng, nếu anh muốn thoát mọi nguy cơ”. Nhưng nếu ta nhìn kỹ con người nầy và muốn biết giá trị thực sự của họ ra sao, ta sẽ thấy họ khá kỳ dị, nhưng lại thất vọng nhanh chóng. Họ tin tưởng chắc chắn các ý tưởng riêng biệt của họ, cho đến đỗi không còn chịu khó thăm dò phương thức do những nhà tư tưởng khác giải thích về các sự kiện mà họ đã chấp nhận. Sự minh triết của các thời đại đã qui về việc giải thích điều mà họ xem như đã được chứng minh nhưng không bao giờ lại lưu ý đến các việc sưu tầm. Họ cũng không hoàn toàn đồng ý với các anh em của họ là những người Thông Thiên Học. Đó là lời thuật lại về câu chuyện của một bà xứ Ecosse; bà nầy, phối hợp với chồng lập thành một “giáo đường”. Họ chỉ có riêng chiếc chìa khóa của Thiên quốc, hay nói đúng hơn là chỉ riêng mỗi mình bà là có được chiếc chìa khóa nầy, bởi bà không “hoàn toàn tin chắc nơi sự được cứu rỗi của Jamie”. Cũng giống như thế, nhiều môn phái phân chia và còn phân chia ra nữa các nhà Thần Linh Học “không hoàn toàn tin chắc” nơi sự cứu rỗi. Kinh nghiệm cộng đồng của nhân loại đồng thanh tuyên bố sự hợp quần làm thành sức mạnh và chia rẽ là nguồn gốc của sự yếu đuối, thất bại. Nếu được huấn luyện và kỹ thuật hóa một cách vững chắc, thì một đám quân hỗn tạp sẽ trở thành một đạo quân nghiêm chỉnh, và mỗi người có thể đương cự với hàng trăm người thiếu kỷ luật. Tất cả mọi địa hạt thuộc phạm vi sinh hoạt của nhân loại, nếu được tổ chức, sẽ mang đến sự thành công, tiết kiệm thì giờ, việc làm, và là nguồn cội của điều lợi ích cũng như sự tiến bộ. Thiếu phương pháp, kế hoạch, công việc sẽ không được điều khiển và các cố gắng thiếu trật tự bị lung lạc, chỉ đem lại nhiều rắc rối thảm thương. Tiếng nói của nhân loại chứng minh chơn lý đó. Nhà Thần Linh Học có chấp nhận sự kiện nầy chăng và họ có muốn thích hợp với các hiệu quả đó chăng ? Chắc hẳn không. Họ không muốn có sự tổ chức, chính họ là luật lệ riêng biệt, và họ cũng là một cái gai nhọn đâm vào bên hông của người đồng chủng. Ánh Sáng (Light), ngày 22 tháng sáu, năm 1889.”

 

Vấn : Người ta đã nói với tôi rằng Hội Thông Thiên Học được sáng lập vào lúc ban sơ, với mục đích dẹp tan Thần Linh Học và tín ngưỡng về sự thường tồn của cá thể tính con người ?

Đáp : Người ta đã chỉ dẫn bạn không đúng, vì tất cả tín ngưỡng của chúng tôi được căn cứ vào cá thể tính bất tử nầy. Nhưng bạn đã lầm lẫn về phàm ngã tính với cá thể tính như bao nhiêu người khác. Các nhà tâm lý học Tây phương của bạn dường như không thiết lập được sự phân biệt rõ rệt giữa hai danh từ nầy. Tuy nhiên, chính sự sai biệt đó cung cấp chiếc chìa khóa cho sự thông hiểu về triết lý Đông phương và nó là nguồn cội của sự dị biệt giữa các giáo huấn Thần linh học và Thông Thiên Học. Tôi phải tuyên bố nơi đây, dù có khiêu khích thêm sự thù nghịch của vài nhà Thần Linh Học, chính Thông Thiên Học thực hiện được Thần Linh Học thực sự, thuần khiết và không làm lẫn lộn, còn học phái thời đại được dân chúng thực hành ngày nay và được gọi dưới danh từ đó, chỉ đơn giản là duy vật thuyết siêu việt mà thôi.

 

Vấn : Bạn hãy giải thích rõ ràng hơn các ý tưởng của bạn về vấn đề nầy.

Đáp : Tuy rằng các giáo lý của chúng tôi nhấn mạnh về tính đồng nhất giữa Chơn linh và Vật chất, chúng tôi xin nói Chơn linh chỉ là Vật chất tiềm tàng (matière potentielle), và Vật chất lại giản dị là Chơn linh được kết tinh cũng như nước đá cục không chi khác hơn là hơi nước đông đặc lại, chúng tôi duy trì danh từ Chơn linh chỉ có thể áp dụng cho cá thể tính thực sự, vì chưng điều kiện nguyên thủy và vĩnh cửu của toàn thể không phải là chơn linh, mà là siêu chơn linh (méta-esprit) sự biểu hiện từng định kỳ chỉ đơn giản là vật chất hữu hình và cứng đặc.

 

Vấn : Nhưng làm sao phân biệt được “cá thể tính thực sự” nầy với cái” Ta” hay “Chơn Ngã” (Ego) mà chúng ta đều ý thức ?

Đáp : Trước khi tôi có thể trả lời bạn, chúng ta nên chấp nhận ý nghĩa tặng cho chữ “Ta” hoặc “Chơn Ngã.” Chúng tôi phân biệt giữa sự kiện đơn giản của cái thức tâm hữu ngã với tình cảm suông: “Tôi là Ngã” và ý tưởng phức tạp hơn. “Tôi là ông Smith hay bà Brown.” Sự phân biệt nầy là cái trục trung ương mà xung quanh đó lại tiến triển ý tưởng của một loạt các kiếp sinh ra hoặc tái sinh cho chính một Chơn Ngã; chúng tôi tin nơi ý tưởng nầy. Bạn thấy rằng ông Smith tượng trưng thật sự cho một dọc dài về các kinh nghiệm hằng ngày chúng ta được liên kết chung bởi sợi dây của ký ức, làm thành như thế cái mà “ông Smith gọi chính là ông”. Nhưng không một cái nào trong các “kinh nghiệm” đó lại thực sự cấu thành cái “Ngã” hoặc “Chơn Ngã,” và chúng cũng không cung cấp cho “ông Smith” cảm giác là chính ông, vì ông quên lãng phần lớn những kinh nghiệm hằng ngày của mình, và chúng chỉ cung cấp cho ông cái cảm giác về Chơn ngã tính (Egoité) ngày giờ nào chúng còn duy trì. Thế nên chúng tôi, những người Thông Thiên Học thiết lập một sự phân biệt giữa cái kết tinh “kinh nghiệm” nầy, mà chúng tôi gọi là phàm ngã tính giả tạo (fausse personnalité) (tại vì nó hạn định và giả tạm), và yếu tố nầy trong con người đã cho họ cái cảm giác: ‘‘tôi là ngã”. Chính cái “tôi là ngã” nầy mà chúng tôi gọi là cá thể tính thực sự; và chúng tôi nói rằng”Chơn Ngã” hay cá thể tính giống như một kép hát đóng nhiều vai trên sân khấu cuộc đời. Chúng ta hãy gọi mỗi đời sống mới của chính một “Chơn Ngã” trên địa cầu là một tuồng hát trên sân khấu. Vào một buổi chiều, một kép hát, hay “Chơn Ngã” xuất hiện trong vai tuồng “Macbeth,” một buổi chiều khác, họ đóng vai “Shylock” và một chiều thứ ba, họ là “Roméo”, một buổi chiều thứ tư họ là “Hamlet’’ hoặc vị vua  ‘‘Lear”, và cứ tiếp tục như thế, cho đến khi họ đã trải qua tất cả chu kỳ các kiếp nhục hóa. Chơn Ngã khởi sự cuộc hành hương về đời sống của nó dưới hình thức là một trẻ nghịch ngợm “Ariel” hay một “Puck”; họ đóng vai một người phụ kịch, một tên lính, một nô bộc, hoặc một người của ban hợp ca; kế tiếp họ được thăng chức và đóng các “vai đàm thoại”, những vai trò khi thì quan trọng, khi lại vô nghĩa cho đến lúc mà họ rút lui khỏi sân khấu với tư cách của “Prospero”, nhà thuật sĩ.

 

Vấn : Tôi hiểu rồi, bạn nói rằng cái Chơn ngã thực sự nầy không thể nào trở lại trái đất sau khi chết. Nhưng người kép hát, nếu còn giữ ý nghĩa về cá thể tính của mình, không thể nào được tự do để trở lại sân khấu trong những vai trò lúc xưa, nếu họ muốn sao ?

Đáp : Chúng tôi xin trả lời rằng không, bởi vì sự trở lại địa cầu như thế sẽ không thích hợp với trạng thái phúc lạc thanh khiết và vô nhiễm sau sự chết, như tôi sẵn sàng chứng minh. Chúng tôi nói rằng con người chịu đựng quá nhiều đau khổ bất công trong đời sống do lỗi lầm của các người mà họ có dịp cộng tác, do hoàn cảnh của họ, cho nên chắc chắn họ có quyền hưởng sự nghỉ ngơi, yên lặng toàn hảo, nếu không nói là phúc lạc, trước khi gánh vác lại công việc nặng nhọc của cuộc đời. Nhưng chúng ta có thể bàn luận lại các chi tiết về vấn đề đó sau nầy.

 

H. P. BLAVATSKY

 

BÍ QUYẾT THÔNG THIÊN HỌC

(THE KEY TO THEOSOPHY)

(La clef de la Théosophie)

 


 trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở 

 


[i] Slate-writing